Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Gia đình 3 thế hệ sống bằng nghề nhặt rác

Một gia đình với 3 thế hệ cùng làm nghề thu gom rác thải, người lớn nhất 60 tuổi, nhỏ nhất 20 tuổi. Mỗi đêm khi cả thành phố chìm trong giấc ngủ là lúc họ bắt đầu việc mưu sinh.

GIA ĐÌNH 3 THẾ HỆ SỐNG BẰNG NGHỀ NHẶT RÁC

Một gia đình với 3 thế hệ cùng làm nghề thu gom rác thải, người lớn nhất 60 tuổi, nhỏ nhất 20 tuổi. Mỗi đêm khi nhà nhà chìm vào giấc ngủ là lúc những con người thầm lặng ấy bắt đầu công việc của mình.

nha 3 the he gom rac anh 1

“Con xin đi làm rác với mẹ hoài mà mẹ không cho”, Tí, cậu bé 10 tuổi phụng phịu ngước lên nhìn mẹ.

Chị Trương Thị Bé Hai (38 tuổi) vuốt tóc con cười tủm tỉm, không nói gì. Thấy mẹ có vẻ không hưởng ứng lời khẩn cầu của mình, Tí bỏ cuộc, cúi xuống, cặm cụi cộng trừ những phép tính thập phân mà chị Hai thường tả là “nhìn ngoằn ngoèo chẳng hiểu gì”.

Chị Bé Hai là người con thứ 2 trong gia đình có bố mẹ và các anh chị em đều theo nghề gom rác. Con gái lớn vừa tròn 20 tuổi của chị cũng có kinh nghiệm trong công việc này đã 3 năm nay. Chị Hai không cho con đi thu gom rác đêm không phải do mặc cảm mà sợ cậu mệt, ngủ luôn trên xe chở rác.

“Sau này chúng nó tiếp tục theo làm nghề gom rác cũng được, làm nghề khác cũng được. Nó lớn tự nó quyết định chứ đâu phải mình muốn gì thì con mình phải làm vậy”, chị Hai tâm sự về tương lai của các con mình.

nha 3 the he gom rac anh 2
Sau này, các con lựa chọn công việc gì, miễn là chúng thích thì chị Bé Hai đều ủng hộ.

9 tiếng gom rác mỗi ngày

1h sáng, trời mưa đứt quãng, con hẻm nhỏ trên đường Lạc Long Quân (quận 11, TP.HCM) đang im lìm ngủ bỗng bị khuấy động bởi tiếng mở cửa lạch cạch từ khoảng 30 căn nhà. Tiếp đó là đồng loạt những tiếng nổ máy xình xịch của hàng chục chiếc xe tự chế nối đuôi nhau chạy ra đường lớn.

Chị Bé Hai bị đánh thức bởi tiếng gọi cửa khẽ của bà Nguyễn Thị Ánh Loan (60 tuổi, mẹ chị Hai). Mỗi ngày mẹ chị đều lần lượt sang gõ cửa từng nhà, thức 3 đứa con dậy để đi gom rác. Hiện 3 anh em chị Hai, mỗi người đang thu gom rác cho khoảng 500-700 hộ dân trong TP, thu nhập 5 triệu đồng/tháng cùng 2-3 triệu đồng từ việc bán ve chai.

nha 3 the he gom rac anh 5
Bà Loan đi đánh thức từng đứa con dậy. Mấy anh em cùng tập trung lại rồi đi ra bãi cách nhà 2 km để gắn thùng vào đuôi xe. Sau đó, mỗi xe hai người, tản ra mọi ngóc ngách Sài Gòn.

Mỗi đêm, vợ chồng anh Hải và chị Hai cùng con gái lớn Trần Thị Anh Thư chia nhau thu gom rác của hơn 600 hộ gia đình tại phường 11, phường 14 của quận 6. Chị chưa bao giờ đếm xem mình phải đi tổng cộng bao nhiêu con hẻm, chỉ biết khi nào đi đủ 5 xe rác đầy tức là xong việc.

Chiếc xe máy tự chế nhỏ gọn dễ dàng len lỏi vào những con hẻm ngoằn ngoèo của Sài Gòn. Có những hẻm quá nhỏ, xe không vào được, mẹ con chị Hai phải dùng một thùng cao su nhỏ để gom rác. Từng bịch nylon lớn nhỏ chứa đủ loại rác sinh hoạt được hai mẹ con dọn dẹp cẩn thận, trả lại sự sạch sẽ cho từng hẻm nhỏ.

Qua khoảng 4-5 hẻm, chiếc thùng đầy dần. Chị Hai đu người leo lên thùng xe, dùng chân giẫm mạnh để ép rác xuống. Mỗi thùng xe này có sức chứa tối đa 1 tấn.

nha 3 the he gom rac anh 6
Nửa đêm là khoảng thời gian mọi người bắt đầu trở về nhà, chìm trong giấc ngủ sau một ngày dài lao động miệt mài. Nhưng đây lại là lúc những người con trong gia đình bà Loan mới bắt đầu công việc của một ngày.
nha 3 the he gom rac anh 9
Trời mưa thì việc thu gom rác cực hơn do nước mưa thấm vào khiến các túi rác nặng trĩu.

Cơn mưa bắt đầu nặng hạt nhưng hai mẹ con vẫn coi như không. “Nghề này trời mưa mấy cũng phải làm chứ không nghỉ được, bị mưa thì cực hơn vì rác sẽ nặng đi nhiều. Bình thường đi 5 xe là xong nhưng nếu mưa có khi phải đi 6 xe. Riêng đường ngập quá xe không đi được thì phải nghỉ, hôm sau làm bù”, chị Hai kể trong lúc nhặt những chai, lọ nhựa trong thùng rác bỏ vào một tải riêng.

nha 3 the he gom rac anh 10
Nửa đêm cũng là thời gian các loại xe tải được phép hoạt động. Đi từ trong hẻm nhỏ ra ngoài yêu cầu phải cảnh giác cao độ.

3 rưỡi sáng, hai mẹ con vừa làm xong xe rác đầu tiên trong ngày. Họ tự thưởng cho mình một ly cà phê mua của một người bán nước ven đường cùng 15 phút nghỉ ngơi, thưởng thức sự yên bình của Sài Gòn dưới ánh đèn đường ấm áp.

Rời Tiền Giang lên Sài Gòn từ năm 1995, theo lời giới thiệu của người cô ruột, ba mẹ chị Hai bắt đầu xây dựng lại cuộc sống mới bằng nghề thu gom rác. Từ khi đó, đây trở thành nghề truyền thống của cả gia đình.

nha 3 the he gom rac anh 13

'Ngủ quan trọng hơn ăn'

17h, khi mọi người kết thúc công việc một ngày, bắt đầu trở về nhà chuẩn bị nấu cơm thì gia đình chị Hai đã ngồi quây quần ăn bữa cơm tối.

19h, một vài nhà hàng xóm đã cửa đóng then cài, tắt đèn đi ngủ để chuẩn bị 2h ngày hôm sau đi làm thì nhà chị Hai đèn vẫn sáng, cả gia đình ngồi chơi chờ cu Tí đi học thêm về. Bé Tây (con gái chị Hai) nằm ôm bà ngoại rồi ngủ thiếp đi từ lúc nào.

nha 3 the he gom rac anh 20
Phòng khách cũng chính là phòng ngủ của vợ chồng chị Bé Hai và hai đứa nhỏ, gian gác xép là chỗ ngủ của Thư và vợ chồng người em.

Hàng ngày, vợ chồng chị Hai bắt đầu công việc từ 2h sáng. Làm đến 6h, hai vợ chồng nghỉ để về đưa con đi học. Sau đó, tiếp tục trở lại với công việc cho đến 9h về nhà chuẩn bị cơm trưa.

“Cả nhà thường chỉ cùng nhau ăn được bữa trưa. Tối thì chủ yếu tôi nấu cơm cho 2 đứa nhỏ lớp 5 và lớp 7, những người còn lại trong nhà thì bữa ăn bữa bỏ để…ngủ. Tôi nhiều hôm nấu cơm xong cũng đi ngủ luôn không có ăn. Ngủ quan trọng hơn là ăn”, chị Hai tâm sự.

Đón con trai về sau lớp học thêm, chị Hai lại tiếp tục trông con học. “Trông thôi chứ tui học tới có lớp 4 à. Nó dạy mình chứ mình biết gì mà dạy nó. Cho con đi học để sau này nó chọn làm nghề gì cũng được, nhưng ít ra nó có nhiều lựa chọn”, chị Hai bộc bạch.

Đồng hồ điểm 21h, cả nhà chị Hai tắt đèn đi ngủ. “Ngủ được 4 tiếng là phải dậy đi làm. Rảnh lưng ra được lúc nào là tranh thủ. Nằm xuống là nhắm mắt được ngay chứ chẳng thao thức bao giờ”, người phụ nữ 38 tuổi nói.

Ngày nghỉ là một khái niệm xa lạ với người theo nghề thu gom rác. Tháng trước, cha chồng chị Hai mất. Cả nhà cũng chỉ nghỉ được 1 ngày rồi cứ đi đi về về giữa Tiền Giang và Sài Gòn để lo đám chứ không dám nghỉ hơn. Bởi nghỉ đồng nghĩa với rác không ai thu và người dân có thể kiện lên quận, gia đình có thể mất đường dây rác hiện tại.

Khi được hỏi lý do cả gia đình vẫn theo đuổi công việc mà bà Loan thường tự nhận là “một trong những nghề bần cùng nhất”, người phụ nữ 60 tuổi cười hiền lý giải:

“Làm nghề này cũng khổ nhưng cũng có lúc sướng. Tụi tui làm buổi đêm không có kẹt xe, không khí trong lành, mát mẻ. Ban ngày thì có thời gian chăm sóc cho con cái, lo toan việc nhà. Thế nên nghề này dù vất vả nhưng nhiều phụ nữ theo lắm”.

Ngừng mất lúc, bà Loan khẽ thở dài, nhìn ra hàng xe Honda tự chế xếp hàng dài trước cửa nhà rồi nói tiếp: “Nhưng tụi tui đang hoang mang lắm. Hết tháng 10, TP đòi thay phương tiện gom rác rồi thu mấy cái xe tự chế này. Mất xe là mất cần câu cơm chứ còn gì nữa”.

Những ngày cuối cùng của xe thu gom rác tự chế

Trong hẻm nhỏ này, chỉ cần nhìn nhà nào có một chiếc xe Honda trơ khung, đuôi xe gắn một đinh ốc lớn dựng trước cửa là biết nhà đó làm nghề gom rác. Cả con hẻm này có khoảng 30 gia đình như vậy. Những chiếc xe tự chế nối đuôi nhau xếp hàng rải rác quanh con ngõ nhỏ.

nha 3 the he gom rac anh 27
Những chiếc xe có giá từ 5-6 triệu đồng, được cải tiến để phù hợp với công việc.

Suốt một tháng nay, cứ chiều chiều cả xóm nhỏ này lại râm ran bàn tán về chính sách chuyển đổi phương tiện thu gom rác tự chế của TP. Hạn chót để đổi xe chỉ còn đếm ngược từng ngày, thế nhưng bà con ở đây vẫn chưa ai chuyển đổi.

Nhớ lại lịch sử 25 năm làm nghề rác, bà Loan nhận ra cứ khi nào mình đổi xe thì nghề thu gom rác của TP này lại bước sang một giai đoạn mới.

“Trước đây tụi tôi xài xe ba gác. Đến năm 2008, TP yêu cầu chuyển đổi xe nếu không sẽ thu hết, thế là con tôi cũng mua xe tải về chạy. Được 1 năm thì bán vì nhiều bất cập quá, thu rác không tiện, rồi sau đó mới chuyển sang dùng cái xe tự chế này được 4 năm nay thôi”, bà Loan kể.

Honda là loại xe được người thu gom rác ưa chọn do giá rẻ, nhỏ gọn, máy lại khỏe và bền. Chiếc xe dựng trước cửa được anh Hải (chồng chị Hai) mua từ năm 2015 với giá 5 triệu. Chiếc xe được “độ” lại và lắp thêm bộ khung ở yên sau để nối với chiếc thùng inox đựng rác mà anh đặt làm với giá 15 triệu đồng.

Một ngày chiều tháng 9, bà Loan đưa xe đi bảo dưỡng theo lịch hàng tháng ở tiệm của ông Phạm Văn Hạp (55 tuổi), người chuyên sửa xe tự chế cho người gom rác ở đây.

“Tôi biết chính sách mới sắp có hiệu lực rồi nhưng còn chạy ngày nào thì phải đảm bảo an toàn ngày ấy”, bà Loan nói.

Lý giải tiện ích của xe tự chế với người thu gom rác, ông Hạp cho biết khi chế lại loại xe này, người ta thường tháo hết lớp vỏ xe để việc quay xe, luồn lách trong hẻm nhỏ được dễ dàng. Thêm vào đó, việc liên tục phải kéo trọng tải nặng, lên đến 1 tấn, trong vòng 6-8 tiếng/ngày, bộ máy của xe rất nóng nên họ thường tháo lớp vỏ bên ngoài để giảm nhiệt cho xe.

nha 3 the he gom rac anh 30
nha 3 the he gom rac anh 33
Dù còn nhiều khúc mắc với kế hoạch thay xe của TP nhưng gia đình bà Loan cho rằng việc này là cần thiết để giữ hình ảnh một đô thị văn minh. Điều quan trọng hơn nữa là cả 7 người trong gia đình nhà bà Loan không ai muốn mất nghề.

Để chuẩn bị đối mặt với một giai đoạn mới, chị Bé Hai đã đi đăng ký đi học lái ôtô để “có bằng lái trước còn mua xe thì tính sau”. Đồng thời, chị cũng làm đơn cam kết chuyển đổi xe gửi lên UBND quận 11 để được gia hạn thời gian chuyển đổi thêm 6 tháng nữa.

nha 3 the he gom rac anh 36
"Tôi học để sau có gì phụ ổng (chồng) thôi chứ mình học rồi còn phải tập luyện nhiều mới dám lái ra đường".

“Thêm 6 tháng cũng chưa đủ đâu vì còn bao nhiêu thứ phải lo nữa nhưng giờ cứ được thêm ngày nào hay ngày ấy. Tôi mong là TP gia hạn thêm hẳn 1-2 năm thì lo liệu được. Dù gì đây cũng là nghề của cả gia đình mình gắn bó hơn 20 năm rồi, mình đâu có muốn mất nghề đâu”, chị Bé Hai tâm sự. 

nha 3 the he gom rac anh 37

Quỳnh Trang - Thu Hằng

Bạn có thể quan tâm