Mỗi ngày, bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) tiếp nhận hơn 1.000 tấn rác thải. Chính quyền Đà Nẵng đang loay hoay tìm nơi xử lý vì đến năm 2020, nơi này sẽ quá tải.
Bãi rác Khánh Sơn được chính quyền Đà Nẵng xây dựng từ năm 2007, ở phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu.
Có diện tích 32,4 ha, đây là nơi tập kết rác thải lớn nhất ở miền Trung. Với 5 hộc chôn lấp, mỗi ngày khu vực này tiếp nhận hơn 1.000 tấn phế thải các loại.
Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, cho biết sau hơn 10 năm hoạt động, hơn 4 triệu tấn chất thải rắn đã được chôn lấp ở Khánh Sơn.
Theo tính toán của các cơ quan chuyên môn ngành môi trường Đà Nẵng, khoảng 200 ngày nữa, Khánh Sơn sẽ quá tải và phải đóng cửa.
Theo ghi nhận, nhiều hộc rác đã đầy. Để giải quyết bài toán về môi trường, chính quyền địa phương tính đến phương án nâng cấp và xây dựng các khu xử lý rác thải mới.
Vì nhiều lý do khác nhau, Đà Nẵng chưa có nơi xử lý mới thay thế Khánh Sơn. Lượng rác thải tập trung về đây quá nhiều, thời gian qua bãi rác bốc mùi hôi thối, ô nhiễm nặng.
Mới đây, UBND Đà Nẵng yêu cầu Sở Tài nguyên và Môi trường áp dụng các giải pháp công nghệ trong quá trình xử lý để kéo dài sự tồn tại của bãi rác đến năm 2022.
Rác thải sẽ được phân loại, cán nát trước khi đổ xuống hộc chôn lấp. Người dân địa phương mong muốn chính quyền di dân ra khỏi khu vực này hoặc dời bãi rác đến nơi khác. Tuy nhiên, do thiếu tiền đền bù, chưa chọn được vị trí thích hợp nên UBND Đà Nẵng lựa chọn giải pháp nâng cấp công nghệ, xử lý mùi hôi.
Bên cạnh đó, UBND Đà Nẵng đã đầu tư 12,5 tỷ đồng để phủ bạt HDPF tại các bãi chôn lấp nhằm tránh phát tán mùi hôi.
Bãi rác Khánh Sơn (chấm đỏ) ở quận Liên Chiểu. Ảnh: Google Maps.
Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh chặng đường tiếp theo của Việt Nam và Malaysia cũng như việc bảo đảm một hệ thống quốc tế công bằng, rộng mở phụ thuộc lớn vào sự phát triển của ASEAN.