Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Người dân Đà Nẵng đề nghị di dời bãi rác Khánh Sơn gây ô nhiễm

Người dân Đà Nẵng mong muốn chính quyền di dời bãi rác Khánh Sơn (quận Liên Chiểu) ra khỏi khu dân cư.

Sáng 6/7, UBND TP Đà Nẵng phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường (TN - MT) và quận Liên Chiểu đối thoại với gần trăm hộ dân sống gần bãi rác Khánh Sơn.

'Sống chung với ô nhiễm'

Theo người dân địa phương, bãi rác tồn tại hơn 10 năm qua, ngày càng trở nên quá tải. Còn thống kê sơ bộ của cơ quan chức năng cho thấy, bình quân mỗi ngày thành phố có 1.100 tấn rác sinh hoạt, chưa tính rác thải y tế và công nghiệp.

Bai rac Khanh Son anh 1
Ông Đặng Việt Dũng. Ảnh: Đoàn Nguyên. 

Ông Phan Văn Xu (ngụ quận Liên Chiểu) cho biết bãi rác Khánh Sơn đã nhận 3,2 triệu tấn rác và chỉ còn hơn 200 ngày nữa là quá tải. Trong khi đó, Đà Nẵng sẽ đối diện với khủng hoảng rác.

Bà Nguyễn Thị Thành (trú quận Liên Chiểu), phàn nàn những ngày nắng nóng, mùi hôi thối bay vào nhà dân. Còn mùa mưa, nước thải rỉ xuống đất, gây ô nhiễm mạch nước ngầm, thậm chí mưa lớn khiến nước thải chảy tràn vào các khu dân cư.

"Hàng chục năm qua, chúng tôi đã phải sống chung với ô nhiễm. Có gia đình nhiều thế hệ phải sống chung với mùi hôi thối. Chúng tôi liên tục kiến nghị dời bãi rác nhưng thành phố hứa rồi để đó", bà Thành nói.

Người dân nơi đây đề nghị lãnh đạo thành phố thông tin về việc cho phép Công ty CP Môi trường đô thị Việt Nam nâng cấp bãi rác Khánh Sơn thành nhà máy rác theo công nghệ đốt, sản xuất điện.

“Cuối tháng 6 vừa qua, người dân Khánh Sơn được lãnh đạo Sở TN - MT đưa đi tham quan nhà máy đốt rác phát điện ở Cần Thơ. Ở đây không khí trong lành và được ví như khu nghỉ dưỡng. Công nghệ xử lý rác thải này của Trung Quốc liệu có đảm bảo?", ông Xu đặt câu hỏi.

Loay hoay tìm giải pháp

Ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở TN - MT Đà Nẵng cho rằng nếu đóng bãi rác liệu có khắc phục được vấn đề ô nhiễm hay không. Và 3,2 triệu tấn rác hiện nay sẽ di dời về đâu?

Ông Hùng nói để giải quyết ô nhiễm, thành phố đang triển khai đầu tư giai đoạn 2 dự án xử lý nước rỉ rác, nâng công suất hơn 1.000 m3/ngày đêm. Thành phố cũng triển khai hộc rác số 6 nằm phía tây khu dân cư.

Bai rac Khanh Son anh 2
Người dân trình bày ý kiến với lãnh đạo Đà Nẵng. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Để giải quyết ô nhiễm căn cơ, thành phố sẽ giải tỏa toàn bộ các hộ dân chịu ảnh hưởng trong phạm vi 500 m, chuyển đổi nghề nghiệp của hơn 300 lao động sống bằng nghề nhặt rác.

Giám đốc Sở TN - MT cũng thông tin UBND TP Đà Nẵng đã thống nhất về nguyên tắc cho Công ty CP Môi trường Việt Nam đổi mới công nghệ xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện tại gần bãi rác này.

Theo trình bày của Công ty CP Môi trường đô thị Việt Nam, họ đã ký hợp đồng liên doanh với Tập đoàn EverBright International (Hong Kong). Dự kiến nhà máy xử lý rác thải bằng công nghệ đốt có số vốn 80 triệu USD, công suất xử lý rác đạt 650 tấn/ngày.

Nhà máy sẽ được khởi công vào cuối năm 2019, đi vào hoạt động vào đầu năm 2021.

Bai rac Khanh Son anh 3
Bãi rác Khánh Sơn đã quá tải. Ảnh: Đoàn Nguyên.

“Bãi rác Khánh Sơn sẽ trở thành khu liên hiệp xử lý rác chứ không như bãi chôn lấp hiện nay. Chúng tôi đang thận trọng lựa chọn công nghệ, thành phố quyết tâm sẽ làm”, ông Hùng thông tin.

Tuy nhiên, nhiều người dân Khánh Sơn không đồng ý với chủ trương trên. Lý do được người dân đưa ra là dù có đổi mới công nghệ như thế nào thì tình trạng ô nhiễm vẫn diễn ra. Bởi lẽ Khánh Sơn đang có hàng tấn rác chôn lấp dưới lòng đất.

Ông Đặng Việt Dũng, Phó chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, nhấn mạnh khi có sự đồng thuận của người dân thì việc xây dựng được nhà máy xử lý rác mới được thực hiện.

Đà Nẵng sẽ xây nhà máy 80 triệu USD để đốt rác thành điện

Đà Nẵng sẽ xây một nhà máy đốt rác thành điện, góp phần giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường ở quận Liên Chiểu.



Đoàn Nguyên

Bạn có thể quan tâm