Theo The Guardian, tuần qua, ở một số nước châu Âu, giá điện trên thị trường bán buôn có lúc rơi xuống dưới mức 0 tại một số thời điểm vào ban ngày. Nguyên nhân chủ yếu là tình trạng dư thừa cung từ các nguồn năng lượng tái tạo.
Thêm vào đó, thời tiết không nóng cũng không lạnh khiến người dân không còn nhu cầu sưởi ấm hay làm mát.
Tại một số quốc gia châu Âu, giá điện đã rơi xuống mức âm vào một số thời điểm ban ngày. Ảnh: Bloomberg. |
Nguồn cung dư thừa
Giá điện thường âm khi nguồn cung dư thừa. Điều này có thể xảy ra do các nguồn năng lượng tái tạo như gió, mặt trời hoặc thủy điện sản xuất ra một lượng điện lớn vượt quá nhu cầu và không thể lưu trữ.
Trong những trường hợp này, các nhà sản xuất có thể để giá điện bán buôn rơi xuống mức âm để thúc đẩy tiêu thụ, từ đó đẩy lượng điện dư thừa ra khỏi lưới điện và tránh tình trạng quá tải hệ thống.
Tình trạng dư thừa xảy ra khi các nguồn năng lượng tái tạo sản xuất ra một lượng điện lớn vượt quá nhu cầu và không thể lưu trữ. Ảnh: Reuters. |
Những khu vực vùng Trung Âu và Tây Bắc đang dư thừa điện mặt trời do áp suất tăng cao. Trong khi đó, tại Phần Lan, băng tuyết tan nhanh vào mùa xuân cũng dẫn tới tình trạng dư thừa sản lượng ở các nhà máy thủy điện. Điều này khiến giá điện rơi xuống mức âm.
Tình trạng áp suất tăng cao có khả năng duy trì ở Anh và Ireland trong phần còn lại của tuần này và tuần tới. Như vậy, thời tiết tại phần lớn nước Anh và khu vực Trung, Bắc Âu sẽ khô ráo và ấm áp. Điều này có thể khiến giá điện tiếp tục giảm hoặc rơi xuống mức âm vào ban ngày.
Kể từ khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine, các quốc gia Liên minh châu Âu (EU) đã tìm cách giảm phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng hóa thạch từ nước này.
Một báo cáo được công bố vào cuối năm ngoái cho biết năng lượng gió và năng lượng mặt trời đã chiếm 24% tổng lượng điện năng của EU sau khi xung đột nổ ra, góp một phần nhỏ giúp các quốc gia này chống lại lạm phát.
Nỗ lực của EU
Đầu năm nay, các nước EU và Nghị viện châu Âu (EP) đã nhất trí đến năm 2030, khối sẽ đạt mục tiêu 42,5% năng lượng từ các nguồn tái tạo như gió và mặt trời.
Việc nhanh chóng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo có vai trò quan trọng nếu EU muốn đạt được các mục tiêu chống biến đổi khí hậu, trong đó có mục tiêu đã được luật hóa là giảm mức phát thải ròng gây hiệu ứng nhà kính 55% vào năm 2030 so với mức ghi nhận năm 1990.
Để đạt được những mục tiêu mới đề ra, EU cần đầu tư quy mô lớn cho các trang trại năng lượng gió và mặt trời, mở rộng quy mô sản xuất khí đốt tái tạo và củng cố mạng lưới điện châu Âu để có thể tích hợp nhiều năng lượng tái tạo hơn.
Ủy ban châu Âu (EC) ước tính đến năm 2030, khối này sẽ cần các khoản đầu tư bổ sung trị giá 113 tỷ euro (123 tỷ USD) cho cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo và hydrogen nếu muốn chấm dứt phụ thuộc vào nhiên liệu từ Nga.
Ngoài điện, giá khí đốt tại châu Âu cũng giảm mạnh nhờ nguồn cung dư thừa. Hồi năm ngoái, xung đột ở Ukraine khiến thị trường năng lượng toàn cầu đảo lộn. Nhưng kể từ đó đến nay, tồn trữ khí đốt tăng cao nhờ mùa đông ấm hơn dự kiến, các chính phủ tăng cường nhập khẩu LNG và những nỗ lực giảm tiêu thụ trên diện rộng.
Tuy nhiên, giới quan sát đang dồn sự chú ý vào thời tiết mùa hè năm nay bởi đợt nắng nóng khắc nghiệt và hạn hán có thể thúc đẩy tiêu thụ khí đốt.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.