Lúc 17h30 theo giờ Việt Nam, giá dầu Brent giao tháng 8 giảm 0,86%, xuống 39,20 USD/thùng. Dầu thô Mỹ WTI cũng giảm 0,14%, lên 36,78 USD/thùng.
Trong phiên 3/6, có thời điểm giá dầu Brent đạt 40,52 USD/thùng, lần đầu tiên vượt mốc 40 USD/thùng kể từ 6/3. Giá dầu WTI cũng từng lên 38,17 USD, cao nhất kể từ đầu tháng 3.
Giá dầu thô tăng mạnh sau đợt sụt giảm cuối tháng 4. Ảnh: Bloomberg. |
Trước đó, Viện Dầu khí Mỹ cho biết lượng dầu tồn kho Mỹ giảm 483.000 thùng.
Như vậy, cả hai loại dầu đều đã tăng mạnh trong tháng 5, riêng dầu thô Mỹ WTI tăng kỷ lục 88% sau đợt sụt giảm lớn nhất lịch sử. Tháng tăng trưởng mạnh nhất trước đây là tháng 9/1990, tăng 44,6%.
Reuters cho rằng nguyên nhân chính do kinh tế Trung Quốc dần phục hồi và Chính phủ nhiều quốc gia nới lỏng chính sách giãn cách xã hội. Trung Quốc được biết đến là nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới.
Stephen Brennock, đại diện công ty môi giới dầu mỏ PVM, nhận định Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước sản xuất lớn khác nhiều khả năng sẽ gia hạn việc cắt giảm 9,7 triệu thùng/ngày đến tháng 7 hoặc tháng 8.
Hiện tại, thỏa thuận cắt giảm sản lượng khai thác 9,7 triệu thùng dầu/ngày áp dụng trong tháng 5 và tháng 6. Đến sau tháng 6, mức này giảm xuống còn 7,6 triệu thùng/ngày cho đến cuối năm, sau đó là 5,6 triệu thùng/ngày từ năm 2021 cho đến tháng 4/2022.
“Giá dầu Brent đạt gần 40 USD/thùng, đó là một dấu hiệu tích cực. Chúng tôi đang đi đúng hướng”, đại diện OPEC nói.