Lúc 10h theo giờ Việt Nam, giá dầu thô Mỹ WTI giảm 2,05%, xuống 31,54 USD/thùng; dầu Brent giảm 1,11%, còn 33,82 USD/thùng.
Cũng trong sáng 28/5, có thời điểm giá dầu thô Mỹ WTI giảm 5% xuống 31,14 USD/thùng; giá dầu Brent giảm 2,3%, tương đương 78 cents, xuống mức 33,96 USD/thùng.
Trong 10 phiên từ 13/5 đến 26/5 (thứ 7, chủ nhật không giao dịch), dầu WTI tăng giá 8 phiên, giảm 2, tăng từ 25,29 USD/thùng lên mức 34,35 USD/thùng.
Đến hôm 27/5, giá dầu WTI giảm 7,57%, dầu Brent giảm 5,36%. Nguyên nhân chính được cho là do sự lưỡng lự của Nga đối với việc cam kết cắt sâu giảm sản lượng khai thác trước cuộc họp ngày 9/6 của OPEC+.
Dữ trữ dầu thô tại Mỹ tăng mạnh hơn dự báo. Ảnh minh họa: Investing Cube. |
Theo báo cáo từ Viện Dầu khí Mỹ, trữ lượng dầu thô tăng 8,7 triệu thùng vào tuần trước, trong khi giới phân tích nhận định sẽ giảm 1,9 triệu thùng.
Các kho dự trữ xăng thì tăng 1,1 triệu thùng, gấp hơn 10 lần so với dự đoán. Trữ lượng dầu diesel và nhiên liệu dầu cũng tăng 6,9 triệu thùng, gấp gần 4 lần.
Reuters dẫn lời Lachlan Shaw, chuyên gia nghiên cứu hàng hóa tại Ngân hàng Quốc gia Australia, cho rằng lượng dự trữ lớn hơn dự báo chứng tỏ nhu cầu tiêu thụ xăng dầu đang tăng, nhưng chưa đủ mạnh.
Shaw nói thêm giá dầu thô có thể tiếp tục đi xuống giữa sự hoài nghi về mối quan hệ của Nga với Arab Saudi, ngay cả sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử Arab Saudi Mohammed bin Salman đồng ý “phối hợp chặt chẽ hơn nữa” trong việc cắt giảm sản lượng khai thác dầu.
Với việc giá dầu WTI trên 30 USD/thùng, OPEC+ sẽ theo dõi sát sao xem liệu các nhà sản xuất dầu đá phiến tại Mỹ có thể có giá sản xuất hòa vốn được hay không.
“Có một rủi ro đó là trong khi nhiều giếng dầu đã buộc phải đóng cửa, thì lượng cung ra thị trường lại tăng”, Shaw nói.