Giá dầu tăng sau khi OPEC+ hoãn kế hoạch tăng sản lượng đến tháng 12, trong khi bầu cử Mỹ đang đến gần. Ảnh: The Economic Times. |
Trên sàn New York Mercantile Exchange, sáng 5/11 (giờ Việt Nam), giá dầu Brent tăng 1,98 USD, tương đương 2,7%, lên mức 75,08 USD/thùng. Còn WTI tăng 1,98 USD, tương đương 2,85%, lên mức 71,47 USD/thùng.
Trong quyết định đưa ra vào ngày 3/11, OPEC+ bao gồm Saudi Arabia - nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới - cùng 7 thành viên khác trong liên minh là Nga, Iraq, UAE, Kuwait, Kazakhstan, Algeria và Oman đã thống nhất giữ nguyên chương trình cắt giảm sản lượng 2,2 triệu thùng mỗi ngày mà họ đang thực hiện cho tới hết tháng 12.
Trước đó, nhóm này đã có ý định rút lại chương trình cắt giảm sản lượng tự nguyện, đồng nghĩa tăng sản lượng khai thác dầu trở lại, với mức tăng 180.000 thùng/ngày. Tuy nhiên, kế hoạch nâng sản lượng sẽ được hoãn lại từ tháng 10 do giá dầu giảm và nhu cầu yếu.
"Mặc dù việc trì hoãn đến tháng 1 không thay đổi nhiều về cơ bản, nhưng nó có thể khiến thị trường phải suy nghĩ lại về chiến lược của OPEC+", các nhà phân tích của Công ty Dịch vụ Tài chính Hà Lan ING nhận định trong một báo cáo.
Các chuyên gia cho rằng việc trì hoãn này đã đi ngược lại kỳ vọng của một số người rằng OPEC+ sẽ tăng sản lượng như kế hoạch, đồng thời cho thấy nhóm này có thể sẵn sàng can thiệp để hỗ trợ giá dầu mạnh hơn dự kiến.
Nhóm OPEC+ dự kiến dần nới lỏng mức cắt giảm 2,2 triệu thùng/ngày trong các tháng tới, trong khi một phần cắt giảm khác, khoảng 3,66 triệu thùng/ngày sẽ được duy trì đến cuối năm 2025.
Giá dầu Brent và WTI đã giảm lần lượt khoảng 4% và 3% trong tuần trước do sản lượng kỷ lục từ Mỹ gây áp lực lên giá. Tuy nhiên, cả hai loại này đã tăng nhẹ vào thứ Sáu (ngày 1/11) khi có thông tin Iran có thể tiến hành một cuộc tấn công đáp trả Israel trong vài ngày sau đó.
Yeap Jun Rong, chiến lược gia thị trường tại IG cho biết hiện vẫn chưa rõ liệu xu hướng tăng giá có được duy trì hay không vì các phản ứng tích cực ban đầu đối với việc trì hoãn tăng sản lượng và căng thẳng địa chính trị trước đây đã dần suy yếu. Hiện tại, giá dầu có thể dao động trong một phạm vi ổn định và với mức tăng trưởng không vượt quá mốc 78,5 USD.
Thị trường đang chờ đợi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, với các cuộc thăm dò cho thấy Phó tổng thống Kamala Harris của Đảng Dân chủ và cựu Tổng thống Đảng Cộng hòa Donald Trump đang ngang ngửa. Trước đó, ông Donald Trump đã cho biết ông muốn giá năng lượng giảm một nửa trong vòng 1 năm sau khi ông nhậm chức nếu tái đắc cử.
Bên cạnh đó, các nhà kinh tế dự đoán Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ giảm lãi suất 25 điểm cơ bản trong cuộc họp chính sách vào ngày 7/11 tới.
Tại Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nhân dân cũng họp từ thứ Hai đến thứ Sáu và dự kiến thông qua các biện pháp kích thích bổ sung nhằm thúc đẩy nền kinh tế đang chững lại. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng phần lớn gói kích thích sẽ được dành để giảm nợ chính quyền địa phương.
Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.