Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Hơn một nửa triệu phú muốn rời Mỹ sau bầu cử

Nhu cầu làm hộ chiếu thứ 2 và cư trú dài hạn ở nước ngoài của giới siêu giàu tại Mỹ đã tăng ít nhất 30% so với năm ngoái, do lo ngại bất ổn chính trị và kinh tế hậu bầu cử.

Các quốc gia châu Âu là điểm đến di cư yêu thích của các triệu phú Mỹ. Ảnh: IMM Group.

Nhiều luật sư và cố vấn tại các văn phòng gia đình Mỹ cho biết nhu cầu làm hộ chiếu thứ 2 hoặc quyền cư trú dài hạn ở nước ngoài đang đạt mức kỷ lục, CNBC đưa tin.

"Chúng tôi chưa bao giờ thấy nhu cầu bùng nổ như hiện nay", Dominic Volek, Quản lý khách hàng tư nhân tại Henley & Partners, công ty tư vấn di cư quốc tế cho người giàu, chia sẻ.

Volek cho biết lần đầu tiên, phần lớn khách hàng hiện này công ty là các triệu phú Mỹ, chiếm 20% tổng doanh thu. "Khách hàng người Mỹ nhiều hơn bất kỳ quốc tịch nào khác", ông nói.

Tính đến nay, số lượng người Mỹ lập kế hoạch chuyển ra nước ngoài đã tăng ít nhất 30% so với năm ngoái.

David Lesperance, đối tác quản lý tại Lesperance and Associates, công ty thuế và nhập cư quốc tế, cho biết số lượng người Mỹ thuê ông để giải quyết quá trình di cư ra nước ngoài đã tăng gấp 3 lần so với năm ngoái.

Theo khảo sát của Arton Capital, công ty tư vấn chương trình nhập cư cho giới giàu có cho thấy 53% triệu phú Mỹ xác nhận có khả năng rời Mỹ sau bầu cử, dù ông Donald Trump hay bà Kamala Harris đắc cử.

Đáng chú ý, các triệu phú trẻ là nhóm có khả năng rời đi cao nhất, với 64% triệu phú từ 18 đến 29 tuổi nói rằng họ "rất quan tâm" đến việc tìm kiếm visa vàng thông qua chương trình cư trú bằng đầu tư ở nước ngoài.

Việc quan tâm đến hộ chiếu thứ 2 hoặc cư trú dài hạn đã tăng đều đặn trong giới thượng lưu Mỹ kể từ đại dịch Covid. Dù với mục đích nghỉ hưu, giá rẻ hay gần gũi gia đình ở nước ngoài, người giàu có rất nhiều lý do phi chính trị để muốn ra nước ngoài.

Giới siêu giàu Mỹ nhận thấy việc chỉ có 1 quốc tịch tiềm ẩn rủi ro cá nhân và tài chính. Giống như đa dạng hóa đầu tư, họ đang tạo "danh mục hộ chiếu" để giảm thiểu các rủi ro quốc gia. Một số còn muốn có hộ chiếu khác để thuận tiện khi du lịch đến các quốc gia.

Tuy nhiên, tình hình bầu cử và chính trị bất ổn đã thúc đẩy các triệu phú Mỹ cân nhắc "kế hoạch B" ở nước ngoài. Lesperance cho biết suốt 3 thập kỷ, khách hàng Mỹ chủ yếu di cư do thuế, nhưng nay chính trị và lo ngại bạo lực trở thành động lực chính, đặc biệt trước cuộc bầu cử diễn ra vào ngày mai.

Theo đó, giới giàu có Mỹ lo ngại về vấn đề bạo lực nếu ông Donald Trump thua, hoặc về kế hoạch của Phó tổng thống Kamala Harris đánh thuế đối với những người có tài sản trên 100 triệu USD.

Dù các nhà phân tích thuế cho rằng kế hoạch đánh thuế với phần lãi vốn chưa thực hiện được có rất ít khả năng được quốc hội Mỹ thông qua, ngay cả khi Đảng Dân chủ chiếm đa số, Lesperance khẳng định đó vẫn là một rủi ro.

Về điểm đến sau khi di cư, người Mỹ ưu tiên các quốc gia châu Âu. Theo Henley, các nước hàng đầu mà giới nhà giàu Mỹ tìm kiếm cư trú hoặc nhập tịch thứ 2 gồm Bồ Đào Nha, Malta, Hy Lạp, Tây Ban Nha và Antigua. Italy cũng dần trở nên phổ biến. Hiện, Malta là lựa chọn hàng đầu cho hộ chiếu thứ 2 của người giàu Mỹ, mặc dù chi phí lên tới 1-1,2 triệu USD.

di cu anh 1

Khoản đầu tư tối thiểu để nhận quốc tịch từ 1 số quốc gia có chương trình cư trú thông qua đầu tư. Ảnh: CNBC.

"Người Mỹ sẵn sàng đầu tư nửa triệu USD vào bất động sản hoặc quỹ đầu tư tại những nước này để được di cư", theo Armand Arton.

Song, quy định và chi phí đang thay đổi nhanh chóng. Trong bối cảnh di cư hàng loạt trở thành vấn đề nóng toàn cầu, một số chính trị gia châu Âu đã bắt đầu phản đối chính sách visa vàng cho phép người giàu có quốc tịch hoặc cư trú chỉ dựa vào khoản đầu tư.

USD rớt giá trước thềm bầu cử Mỹ

Trong khi giá euro tăng nhẹ, đồng USD lại giảm 0,3% so với đồng yen Nhật xuống còn 152,45 yen/USD do kết quả khó đoán của cuộc bầu cử Mỹ.

Thị trường tài chính toàn cầu 'nín thở' trước bầu cử Mỹ

Thị trường tài chính tuần này dự báo biến động mạnh khi giới đầu tư theo sát bầu cử Mỹ và quyết định lãi suất từ Fed, trong bối cảnh lợi suất trái phiếu và đồng USD tăng cao.

Chiến lược kinh tế đối lập giữa ông Trump và bà Harris

Nếu bà Harris tập trung giải quyết những thiếu sót dưới chế độ Tổng thống Biden, chính sách của ông Trump lại đánh mạnh vào thuế quan.

Nền kinh tế với độ mở lớn như Việt Nam không thể tránh khỏi những tác động từ xu hướng kinh tế thế giới. Trong thế giới kinh doanh phức tạp và thay đổi liên tục như hiện nay, việc cập nhật kiến thức và hiểu biết về các xu hướng kinh doanh trên thế giới là rất quan trọng. Để độc giả có thể tiếp cận những thông tin kinh tế quốc tế mới nhất, Tri Thức - Znews giới thiệu Tủ sách kinh tế thế giới với những cuốn sách và câu chuyện kinh doanh đáng chú ý. Từ việc nghiên cứu các công ty hàng đầu đến việc khám phá những xu hướng kinh tế mới, Tủ sách sẽ là nơi cập nhật các thông tin mới nhất về hoạt động kinh tế toàn cầu.

Cẩm Tú

Bạn có thể quan tâm