Giá dầu thế giới đã bật tăng trong ngày 14/6, theo dữ liệu của Trading Economics. Trong vòng 24 giờ qua, giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu đã tăng từ dưới ngưỡng 119 USD/thùng lên 123,5 USD/thùng. Còn giá dầu WTI tăng 0,91% so với một ngày trước đó, vượt mốc 122 USD/thùng.
Nói với Zing, ông Jeffrey Halley - nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore - cho rằng giá dầu tiếp tục đi lên khi nguồn cung dầu thô và các sản phẩm tinh chế khác vẫn bị siết chặt trên toàn cầu.
"Tình trạng thiếu hụt đầu tư nhằm nâng sản lượng của các quốc gia xuất khẩu dầu vẫn còn. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng trống sản lượng mà Nga để lại chưa được lấp đầy", ông Halley nhận xét.
Giá dầu nhanh chóng trở lại đà tăng sau một ngày lao dốc. Ảnh: Trading Economics. |
Những dự báo trên trời
Các nhà sản xuất OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) vẫn đang chật vật trong việc đạt mục tiêu nâng sản lượng theo kế hoạch. Sản lượng dầu của Nga cũng có khả năng lao dốc đáng kể do các lệnh trừng phạt nhắm vào Moscow bởi cuộc chiến ở Ukraine.
Thêm vào đó, nguồn cung trên thị trường dầu toàn cầu bị thắt chặt do xuất khẩu từ Libya lao dốc. Nguyên nhân là cuộc khủng hoảng chính trị đã tác động nghiêm trọng tới sản lượng và hoạt động của các cảng.
Trong giai đoạn bình thường, sự tăng giảm sản lượng dầu của Libya sẽ không tác động đáng kể tới thị trường. Nhưng với tình hình hiện tại, những biến động này đủ để giữ giá ở mức cao
Ông Jeffrey Halley, nhà phân tích thị trường cấp cao có trụ sở ở Singapore
"Thông tin sản lượng của Libya giảm từ 1,1 triệu thùng/ngày xuống còn 0,1 triệu thùng/ngày khiến thị trường dầu chao đảo", ông Halley bình luận.
"Trong giai đoạn bình thường, sự tăng giảm sản lượng dầu của Libya sẽ không tác động đáng kể tới thị trường. Nhưng với tình hình hiện tại, những biến động này đủ để giữ giá ở mức cao", vị chuyên gia nói thêm.
Ngân hàng đầu tư UBS đã nâng dự báo giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu lên 130 USD/thùng vào cuối tháng 9 và 125 USD/thùng trong quý cuối năm. Trước đó, nhà băng này dự đoán giá dầu ở mức 115 USD/thùng.
"Chúng tôi phải nâng dự báo giá dầu bởi tồn trữ dầu thấp, năng lực sản xuất dư thừa giảm và nguy cơ cung không theo kịp cầu trong những tháng tới", ngân hàng giải thích.
Tuần trước, Goldman Sachs Group Inc. dự báo giá dầu thô Brent tiêu chuẩn toàn cầu sẽ đạt 140 USD/thùng trong những tháng tới. Morgan Stanley cho rằng nếu chạm ngưỡng 150 USD/thùng, giá dầu có thể còn tăng cao hơn nữa.
Còn theo ông Halley, trong ngắn hạn, giá dầu Brent sẽ có mức hỗ trợ 118,5-119,5 USD/thùng và vùng kháng cự 123,6-124,4 USD/thùng.
Cung khó theo kịp cầu
Thị trường dầu đang chờ thông tin về lượng tồn trữ dầu hàng tuần của Mỹ. Các số liệu này sẽ cho biết nguồn cung dầu thô và nhiên liệu đang bị thắt chặt tới mức nào.
6 nhà phân tích được Reuters khảo sát dự báo trong tuần tính đến ngày 3/6, dự trữ dầu của Mỹ sẽ giảm khoảng 1,2 triệu thùng, còn dự trữ xăng tăng khoảng 800.000 thùng. Các nhà phân tích cho rằng dự trữ sản phẩm chưng cất, bao gồm dầu diesel và dầu sưởi, có khả năng không đổi.
Về phía cầu, đợt bùng phát Covid-19 mới nhất tại Trung Quốc - bắt nguồn từ một quán bar ở Bắc Kinh - đã làm dấy lên lo ngại về việc tái áp dụng lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực.
Trước đó, đất nước 1,4 tỷ dân đã bắt đầu nới lỏng các biện pháp hạn chế chống dịch. Giới quan sát cho rằng việc Trung Quốc mở cửa trở lại sẽ làm nhu cầu nhiên liệu toàn cầu tăng mạnh.
Hôm 13/6, Chaoyang - quận đông dân nhất của Bắc Kinh - đã bắt đầu xét nghiệm Covid-19 hàng loạt với khoảng 3,5 triệu cư dân. Nếu Trung Quốc tái áp dụng các lệnh phong tỏa, nhu cầu dầu có thể quay đầu lao dốc.
Đà bán tháo trên thị trường dầu được cho là khó có thể kéo dài, trừ khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với một cuộc suy thoái toàn diện, hoặc Trung Quốc tái áp phong tỏa các thành phố lớn như Thượng Hải. Ảnh: Reuters. |
Sắp tới, giá dầu cũng có thể lao dốc nếu Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bất ngờ nâng lãi suất cao hơn dự kiến để kiềm chế lạm phát. Trước đó, các thị trường hàng hóa, bao gồm dầu, đã đồng loạt sụt giảm sau thông tin về lạm phát tăng vượt dự kiến của Mỹ.
Theo số liệu của Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI (chỉ số giá tiêu dùng) tháng 5 của Mỹ tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2021, mức tăng lớn nhất kể từ tháng 12/1981.
Giới quan sát cho rằng các quan chức FED đang cân nhắc khả năng nâng lãi suất chuẩn thêm 0,75 điểm phần trăm. Trước đó, cơ quan này đã nâng lãi suất 2 lần trong năm nay, bao gồm một đợt nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm vào tháng 5.
Nhưng theo chuyên gia Halley, đà bán tháo trên thị trường dầu khó có thể kéo dài, trừ khi nền kinh tế Mỹ đối mặt với một cuộc suy thoái toàn diện, hoặc Trung Quốc một lần nữa áp đặt lệnh phong tỏa tại các thành phố lớn như Thượng Hải.