Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá dầu quay đầu giảm sau lệnh phong tỏa Thượng Hải

Việc giới chức Trung Quốc phong tỏa Thượng Hải đã tạo ra những lo ngại về mức tiêu thụ dầu toàn cầu, khiến giá dầu thô thế giới quay đầu lao dốc.

Theo dữ liệu của Trading Economics, giá dầu thô thế giới hôm 28/3 (theo giờ Việt Nam) đã quay đầu lao dốc. Giá dầu WTI chứng kiến mức giảm gần 4% so với một ngày trước đó xuống còn 109,6 USD/thùng, chính thức mất mốc 110 USD/thùng.

Giá có thời điểm giảm còn hơn 108 USD/thùng trong vòng 24 giờ qua. Còn dầu thô Brent được giao dịch ở mức giá 116 USD/thùng, giảm 3,61% so với 24 giờ trước đó.

Nói với Zing, chuyên gia quốc tế cho rằng giá dầu quay đầu giảm sau khi Trung Quốc công bố các lệnh phong tỏa mới. Điều này có thể đè nặng lên nhu cầu dầu của đất nước 1,4 tỷ dân.

Phong toa Thuong Hai anh 1

Giá dầu thô WTI lao dốc gần 4% so với 24 giờ trước đó do ảnh hưởng của các lệnh phong tỏa tại Trung Quốc, nước tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới. Ảnh: Trading Economics.

Đà tăng bị chững lại

"Việc phong tỏa Thượng Hải đã tạo ra những lo ngại về tiêu thụ dầu của Trung Quốc và đẩy giá xuống thấp hơn", ông Jeffrey Halley - chuyên gia phân tích cấp cao, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tư vấn Oanda - bình luận với Zing.

"Đà giảm có thể chỉ là tạm thời. Tuy nhiên, nếu Trung Quốc áp đặt các hạn chế với quy mô rộng hơn, giá dầu sẽ chứng kiến mức sụt giảm lớn hơn nữa", vị chuyên gia dự báo.

Thượng Hải cho biết sẽ phong tỏa thành phố 26 triệu dân theo 2 giai đoạn khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng cao. Theo chính quyền thành phố, việc phong tỏa và xét nghiệm diễn ra trong vòng 9 ngày.

Theo đó, khoảng 11 triệu dân tại các quận ở phía đông và một số quận phía tây sông Hoàng Phố sẽ bị phong tỏa từ ngày 28/3 đến 1/4. Các quận còn lại với khoảng 14 triệu dân phong tỏa từ ngày 1 đến 5/4.

Việc phong tỏa Thượng Hải đã tạo ra những lo ngại về tiêu thụ dầu của Trung Quốc và đẩy giá xuống thấp hơn

Ông Jeffrey Halley, chuyên gia phân tích cấp cao, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tư vấn Oanda

Trên mạng xã hội WeChat, chính quyền Thượng Hải cho biết giao thông công cộng, bao gồm cả các dịch vụ gọi xe công nghệ, tại những khu vực này sẽ bị ngừng trong quá trình phong tỏa.

Phương tiện giao thông cũng không được lưu thông trên đường nếu không được cho phép.

Thêm vào đó, tất cả công ty và nhà máy cũng phải dừng sản xuất hoặc chuyển sang làm việc từ xa, trừ những công ty cung cấp dịch vụ công hoặc thực phẩm.

Trong phiên giao dịch cuối tuần trước, giá dầu Brent tiến sát mốc 120 USD/thùng sau khi lực lượng Houthi tại Yemen tấn công cơ sở dự trữ của Saudi Aramco.

Những tuần qua, thị trường dầu thế giới tăng nóng bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine và các lệnh trừng phạt nhắm vào Nga. Nhưng những quy định chống dịch nghiêm ngặt của chính quyền Trung Quốc đã chặn đà tăng của giá dầu. Hồi giữa tháng này, giá dầu cũng đảo chiều sau khi các quan chức Trung Quốc đặt toàn bộ 17 triệu dân của thành phố Thâm Quyến vào tình trạng phong tỏa.

Các lệnh phong tỏa khiến số người ra đường giảm mạnh, không chỉ ở những thành phố bị áp đặt lệnh cấm mà còn tại các thành phố khác. Mọi người không muốn ra đường vì lo ngại virus.

Đè nặng lên nhu cầu

"Thị trường dầu lao dốc sau khi Trung Quốc tiếp tục theo đuổi chiến lược Zero-Covid (đưa số ca nhiễm mới về 0) và đưa ra những biện pháp nghiêm ngặt nhằm kiểm soát làn sóng Covid-19 mới", ông Edward Moya - chuyên gia phân tích cấp cao (có trụ sở ở Mỹ) của hãng tư vấn Oanda - giải thích với Zing.

Theo giới quan sát, nếu Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa ở nhiều khu vực hơn, tác động đối với nhu cầu dầu toàn cầu sẽ còn lớn hơn nữa. "Các lệnh phong tỏa quy mô rộng hơn sẽ ảnh hưởng đến việc di chuyển của người dân trong những tuần tới", hãng tư vấn Energy Aspects Ltd. bình luận.

S&P Global Commodity Insights đã hạ dự báo tiêu thụ xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay của Trung Quốc xuống còn 1 triệu thùng/ngày trong tháng 3, tức giảm 600.000 thùng/ngày.

Phong toa Thuong Hai anh 2

Giá dầu Brent biến động mạnh trong vòng 1 tháng qua. Đây là lần thứ hai các lệnh phong tỏa của Trung Quốc khiến giá dầu đảo chiều mạnh. Ảnh: Trading Economics.

Các lệnh phong tỏa không chỉ tác động đến việc di chuyển của người dân, mà còn làm gián đoạn hoạt động vận chuyển và sản xuất tại Trung Quốc, đất nước được coi là "công xưởng của thế giới".

Theo ông Louis Kuijs - nhà kinh tế trưởng khu vực Châu Á - Thái Bình Dương tại S&P Global Ratings, đến nay, chiến lược Zero-Covid của Trung Quốc vẫn chưa dẫn tới những sự gián đoạn kinh tế lớn. "Nhưng các hạn chế đang khiến nền kinh tế trở nên rất dễ tổn thương, bởi biến thể Omicron dễ lây lan hơn", ông cảnh báo.

"Trên toàn cầu, tác động kinh tế của Covid-19 đang giảm dần, bởi các chính phủ đã nới lỏng hạn chế, nhiều nước áp dụng chiến lược 'sống chung với virus'", ông Kuijs bình luận.

"Nhưng riêng với Trung Quốc, Omicron là thể trở thành mối đe dọa lớn đối với nhu cầu nội địa, sản lượng và thậm chí là chuỗi cung ứng", ông nói thêm.

Châu Âu tìm cách giảm phụ thuộc vào dầu khí Nga

Thỏa thuận mới giữa Mỹ và EU là một trong những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm phụ thuộc vào nguồn cung dầu khí Nga.

Dấu chấm hết của xu hướng toàn cầu hóa vì xung đột ở Ukraine

Theo Giám đốc điều hành BlackRock, gián đoạn chuỗi cung ứng do xung đột Nga - Ukraine buộc các chính phủ và doanh nghiệp nhìn lại sự phụ thuộc của mình vào những quốc gia khác.

Thảo Phương

Bạn có thể quan tâm