Giá dầu thô WTI biến động mạnh trong vòng 24 giờ qua. Theo dữ liệu của Trading Economics, giá có thời điểm rơi từ ngưỡng cao 98,6 USD/thùng xuống hơn 93 USD/thùng, sau đó bật tăng lên 96,97 USD/thùng.
Nhưng so với một tháng trước đó, giá dầu WTI đã lao dốc 7,59%. Còn giá dầu Brent dao động quanh vùng 98,6-103,3 USD/thùng. Trong vòng một tháng qua, loại dầu này sụt giá hơn 6%.
Nói với Zing, các chuyên gia nhận định giá dầu liên tục giằng co do IEA xả kho dự trữ, những biện pháp chống dịch gắt gao của Trung Quốc và diễn biến cuộc chiến ở Ukraine.
Đảo chiều liên tục
"Giá dầu tăng giảm tới 5 USD/thùng trong vòng một ngày. Trung Quốc không có dấu hiệu sẽ sớm gỡ bỏ các lệnh phong tỏa. Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) và Mỹ vừa công bố xả kho dầu dự trữ", ông Jeffrey Halley - chuyên gia tài chính cấp cao, phụ trách khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại hãng tư vấn OANDA - bình luận với Zing.
"Nhưng xung đột Nga - Ukraine vẫn đe dọa làm giá dầu tăng cao hơn nữa", ông giải thích.
Hôm 6/4, IEA cho biết các nước thành viên đã đồng ý xả kho 120 triệu thùng dầu thô. Theo ông Fatih Birol - Giám đốc điều hành IEA, con số 120 triệu thùng dầu bao gồm 60 triệu thùng do Mỹ đóng góp từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) của nước này.
60 triệu thùng của Mỹ thuộc cam kết xuất kho 180 triệu thùng dầu do chính quyền Tổng thống Joe Biden đưa ra hồi tháng 3. Trước đó, Washington cho biết sẽ xả kho 1 triệu thùng dầu/ngày trong vòng vài tháng nhằm bù đắp tình trạng thiếu hụt nguồn cung do cuộc chiến ở Ukraine.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Edward Moya (có trụ sở ở Mỹ) nhận định việc IEA xuất kho 120 triệu thùng dầu thô sẽ giúp hạ nhiệt giá dầu trong ngắn hạn. "Cùng với đó là các đợt phong tỏa của Trung Quốc", ông nói thêm.
Giới chức Thượng Hải vừa mở rộng phạm vi phong tỏa ra khu vực phía đông thành phố, đồng thời gia hạn phong tỏa đối với khu vực phía Tây, sau khi kế hoạch phong tỏa từng phần chưa thể làm giảm số ca mắc Covid-19 mới.
Khoảng 193 triệu người ở Trung Quốc hiện sống trong những khu vực bị phong tỏa một phần hoặc hoàn toàn. Theo báo cáo của ông Ting Lu - nhà kinh tế trưởng tại Nomura, các khu vực này chiếm khoảng 22% GDP của đất nước.
Các lệnh phong tỏa tác động mạnh tới hoạt động đi lại, vận chuyển và sản xuất tại Trung Quốc, vốn tiêu thụ lượng dầu lớn. Một cơ quan nghiên cứu trực thuộc Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc đã hạ dự báo nhu cầu trong quý II/2022 180.000 thùng/ngày so với những ước tính trước đó.
Thị trường vẫn thiếu cân bằng
Ngoài ra, theo ông Moya, một phần nguyên nhân khiến giá dầu lao dốc là những rủi ro của Phố Wall khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) thắt chặt các chính sách tiền tệ. Điều này đẩy giá USD lên cao, từ đó tác động tiêu cực tới giá hàng hóa.
Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng việc xả kho dầu chỉ là giải pháp tạm thời. Lượng dầu này không thể thay thế dầu Nga - loại hàng hóa bị loại bỏ khỏi thị trường vì những lệnh trừng phạt từ phương Tây.
"Đây là đợt xuất kho lớn nhất từ trước đến nay, nhưng nó vẫn không thể thay đổi những nguyên tắc cơ bản của thị trường", các nhà phân tích của ANZ Research nhận định.
Đáng nói, động thái của IEA có thể giảm bớt áp lực cho OPEC+ (Tổ chức các nước xuất khẩu dầu lửa và đồng minh) và những nhà khai thác đá phiến của Mỹ trong việc tăng sản lượng nhằm hạ giá dầu. Cho đến nay, các thành viên chủ chốt của OPEC+ vẫn phớt lờ lời kêu gọi nâng sản lượng, ngay cả khi dầu được giao dịch quanh ngưỡng giá 100 USD/thùng.
Nếu EU chính thức đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, chúng ta có thể chứng kiến giá dầu vọt lên mức 120 USD/thùng trong nháy mắt
Ông Stephen Innes, Giám đốc điều hành SPI Asset Management
Thêm vào đó, hôm 5/4, Ủy ban châu Âu đã đề xuất lệnh cấm sử dụng than của Nga nhằm trừng phạt Điện Kremlin vì cuộc chiến ở Ukraine. Giới chức châu Âu cũng đang cân nhắc cấm dầu Nga để chặn nguồn thu quan trọng của Moscow.
"Chúng tôi đang thảo luận về các biện pháp trừng phạt bổ sung, bao gồm lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga", bà Ursula von der Leyen - Chủ tịch Ủy ban châu Âu - tiết lộ.
Hôm 4/4, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cũng tuyên bố Liên minh châu Âu (EU) nên tiến hành các biện pháp trừng phạt đối với dầu của Nga. Tuyên bố được đưa ra sau thông tin về những hành động tàn bạo của Nga ở các thị trấn gần thủ đô Kyiv.
"Sức ép từ dư luận buộc Brussels phải hành động. Nếu EU chính thức đưa ra lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga, chúng ta có thể chứng kiến giá dầu vọt lên mức 120 USD/thùng trong nháy mắt", ông Stephen Innes - Giám đốc điều hành SPI Asset Management - cảnh báo.
Còn theo các nhà phân tích từ Haitong Futures, chỉ thời gian mới có thể mang tới câu trả lời rõ ràng.
IEA xả kho dầu, giá dầu liên tục trồi sụt
Giá dầu thế giới quay đầu lao dốc sau khi IEA nhất trí xuất kho 120 triệu thùng dầu thô. Nhưng giá nhanh chóng bật tăng phần nào sau khi giới đầu tư tranh thủ mua vào với giá rẻ.
Nợ công toàn cầu sẽ lập kỷ lục vì sức ép từ xung đột Nga - Ukraine
Nợ công toàn cầu có thể tăng lên mức kỷ lục trong năm nay, một phần do xung đột ở Ukraine tạo sức ép cho các chính phủ phương Tây vay nợ nhiều hơn để tăng chi tiêu quốc phòng.
Kịch bản lừa đảo giả công an, tòa án chiếm đoạt tiền tài khoản
Nhiều vụ giả danh công an, điện lực, ngân hàng hay lừa đảo đổi tiền được phát hiện dịp gần Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 khiến công an và ngân hàng đồng loạt đưa ra cảnh báo.