Khoảng 70 địa phương tại Trung Quốc đã bị phát hiện bán đất đai và tài sản công cho chính họ, từ đó thổi phồng hàng tỷ USD doanh thu. Ảnh: Bloomberg. |
Wall Street Journal đưa tin theo văn phòng kiểm toán quốc gia Trung Quốc, năm ngoái, một số chính quyền địa phương nước này đã khai khống doanh thu thông qua một số giao dịch ảo.
Khoảng 70 địa phương đã bị phát hiện bán đất đai và tài sản công cho chính họ. Bằng việc tạo ra dòng tiền ảo, các chính quyền này thổi phồng tổng cộng ít nhất 12 tỷ USD doanh thu.
Tác động nghiêm trọng
Vụ việc này cho thấy sự suy yếu của ngành địa ốc thậm chí còn tạo ra tác động nghiêm trọng đối với các chính quyền địa phương hơn dự tính. Dù đã khai khống, doanh thu từ bất động sản của những địa phương này vẫn giảm khoảng 23% trong năm ngoái, đánh dấu mức doanh thu hàng năm thấp nhất kể từ năm 2018. Điều này khiến một số địa phương phải thắt lưng buộc bụng.
Theo báo cáo tài chính hàng năm, tỉnh Quảng Tây cho biết doanh số bán đất sụt giảm 40% khiến tỉnh này chi tiêu thấp hơn mục tiêu vào năm ngoái.
Theo China Index Holdings, số lượng giao dịch mua đất của các chủ đầu tư tư nhân đã giảm khoảng 80% trong năm ngoái. Dữ liệu của China Real Estate Information cho thấy bước sang tháng đầu tiên của năm nay, chỉ vỏn vẹn 3 trong số 100 công ty bất động sản hàng đầu bổ sung quỹ đất.
Ngành công nghiệp bất động sản và các lĩnh vực liên quan là động lực tăng trưởng lớn của nền kinh tế Trung Quốc. Doanh số bán đất cũng là nguồn thu chính của chính quyền địa phương.
Nhưng núi nợ khổng lồ và nhu cầu lao dốc đang đè nặng lên thị trường nhà đất. Điều này khiến các chính quyền địa phương lao đao. Họ không thể dựa vào những chủ đầu tư bất động sản tư nhân bởi nhóm này đã dần rút khỏi thị trường.
Thổi phồng hàng tỷ USD doanh thu
Nhằm thúc đẩy doanh số bán hàng và lách giới hạn cho vay, các chính quyền địa phương đã tạo ra những phương tiện huy động vốn đặc biệt để tài trợ cho các dự án. Một số thậm chí ra đời chỉ vài ngày trước khi đấu giá đất.
Theo các kiểm toán viên, một số chính quyền địa phương còn ban hành các quy định xử phạt phi lý, sử dụng ngân sách sai mục đích và tăng cường bảo lãnh cho doanh nghiệp, từ đó làm tăng gánh nặng nợ địa phương.
Một số chính quyền địa phương Trung Quốc đã cảnh báo về rủi ro nợ của mình. Sau 3 năm theo đuổi chiến lược Zero-Covid, ngân sách của nhiều tỉnh và thành phố tại nước này đã cạn kiệt. Họ phải chi hàng tỷ USD cho các trung tâm cách ly tập trung và xét nghiệm Covid-19 hàng loạt thường xuyên. Đến tháng 12 năm ngoái, Bắc Kinh mới thay đổi hướng đi.
Cùng với đó là sự suy yếu nghiêm trọng của ngành công nghiệp bất động sản, vốn là nguồn thu chính của chính quyền địa phương.
Theo tính toán của giới phân tích, các khoản nợ tồn đọng của chính quyền địa phương nước này đã vượt ngưỡng 123.000 tỷ nhân dân tệ (tương đương 18.000 tỷ USD) vào năm ngoái. Trong số đó, gần 10.000 tỷ USD được gọi là nợ ẩn. Những khoản vay này thuộc về các nền tảng huy động vốn rủi ro cao của chính quyền địa phương.
Do ngân sách bị thắt chặt, nhiều thành phố đã cắt giảm trợ cấp y tế cho người cao tuổi. Những dịch vụ quan trọng khác cũng đứng trước nguy cơ bị gián đoạn. Điều này làm dấy lên làn sóng phẫn nộ ở một số địa phương.
Trung Quốc đã dỡ bỏ các biện pháp chống dịch gắt gao từ cuối năm ngoái. Nhưng nước này vẫn đang chật vật phục hồi khi tốc độ tăng trưởng kinh tế chậm lại, tỷ lệ thất nghiệp ở người trẻ tuổi gia tăng.
Mới đây, S&P Global đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc trong năm nay.
Nhằm thúc đẩy nền kinh tế, các quan chức Bắc Kinh đang thảo luận về một gói hỗ trợ có thể thúc đẩy chi tiêu cho cơ sở hạ tầng địa phương. Nhưng một số nhà phân tích cho rằng điều này là không đủ.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...