Việc kết nối với quá nhiều người trên mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng tiêu cực. Ảnh: ShutterStock. |
Dùng mạng xã hội có nghĩa là phải thường xuyên tiếp xúc với người khác. Nghe có vẻ bình thường, nhưng mức độ tiếp xúc liên tục với nhiều người như trên mạng xã hội ngày nay là chưa từng có trước đây. Những người chưa từng gặp có thể phản hồi hay chỉ trích bạn trên Twitter, xem và vuốt ảnh của bạn trên Instagram.
Bị nhiều người quan sát như vậy kéo theo những ảnh hưởng tâm lý đáng kể. Khả năng kết nối có thể hữu ích, tuy nhiên, các chuyên gia cho biết cũng có rất nhiều mặt trái phức tạp và dai dẳng.
"Tôi cảm thấy cơ thể mình không đủ đẹp. Cho dù tập luyện rất nhiều, cơ thể vẫn không giống như những người ảnh hưởng trên Instagram", một người dùng Instagram 20 tuổi tên Emily, từng bị căng thẳng và rối loạn ăn uống, nói với The Guardian.
Danh tính trên mạng
Các nghiên cứu đã phát hiện rằng cường độ sử dụng mạng xã hội cao có liên quan đến nguy cơ mắc các triệu chứng lo âu và trầm cảm gia tăng. Nhiều nhà tâm lý học tin rằng mọi người có thể đang đối mặt với những tác động tâm lý mà chính họ cũng không biết.
"Chúng tôi phát hiện mọi người đang dành nhiều thời gian xem màn hình hơn so với mức ghi nhận được trước đây, và nhiều hơn so với chính người dùng nghĩ", Larry Rosen, giáo sư danh dự về tâm lý học tại Đại học Bang California cho biết.
Rosen đã nghiên cứu các tác động tâm lý của công nghệ từ năm 1984 và cho biết phản hồi thường gặp nhất của người dùng mạng xã hội là cảm thấy không thể thoát khỏi cuộc sống trực tuyến của mình.
Riêng tư, hay khoảng thời gian không có kết nối, là không gian cho mỗi người hành động mà không bị phán xét bởi những người xung quanh. Khi một người sử dụng mạng xã hội, sẽ có rất nhiều người lạ xem nội dung mà họ đăng tải, phản hồi, nhận xét và chia sẻ nội dung đó.
Việc trẻ em cũng có thể sử dụng mạng xã hội có thể gây ảnh hưởng lâu dài. Ảnh: NirAndFar. |
Thông tin đăng lên là một phần của người dùng. Và việc không biết mình đang được tiếp nhận và phản hồi như thế nào trong thế giới ảo gây ra căng thẳng và lo lắng ở người dùng mạng xã hội, theo Fallon Goodman, giáo sư tâm lý học tại Đại học George Washington.
Chúng ta xây dựng danh tính của mình thông qua cách người khác nhìn nhận, theo Anna Lembke, giáo sư tâm thần học và khoa học hành vi tại Đại học Stanford. Phần lớn danh tính đó hiện nay nằm trên mạng và khó nắm bắt.
Với việc mất kiểm soát danh tính của mình, người dùng mạng xã hội có thể rơi vào trạng thái bồn chồn hoặc lo lắng ngay cả khi đang không sử dụng, theo Lembke.
Xấu hổ về bản thân
“Ngay sau khi bạn đăng một thứ gì đó ra thế giới ảo, bạn sẽ như ngồi trên đống lửa để chờ phản hồi. Chỉ riêng điều này đã là một trạng thái hiếu động”, Lembke nói. Và các phản hồi tiêu cực, nếu có, sẽ làm trầm trọng thêm cảm giác xấu hổ vốn đã là "đặc hữu" trong thế giới hiện đại.
Một nghiên cứu nội bộ của Meta về Instagram được thực hiện từ tháng 3/2020, nhưng đến giữa năm 2021 mới được tiết lộ, cho thấy khoảng 30% nữ giới tuổi teen cảm thấy "Instagram khiến họ cảm thấy tồi tệ về cơ thể của mình". Hơn 40% người dùng cho biết họ cảm thấy bản thân "không hấp dẫn" sau khi bắt đầu khi sử dụng ứng dụng.
Thậm chí, trong số những người dùng tuổi teen đã cho biết đã từng có ý định tự tử, 13% người dùng Anh và 6% người dùng Mỹ nói họ có những cảm xúc đó khi sử dụng Instagram. Các nhà nghiên cứu cho rằng việc so sánh bản thân với những nội dung trên nền tảng này, và các mạng xã hội tương tự, làm cho người dùng cảm thấy tồi tệ và xấu hổ về chính mình.
Theo một khảo sát khác của Girlguiding năm ngoái, 40% nữ giới tuổi từ 11 đến 16 ở Anh nói rằng họ đã xem những hình ảnh trực tuyến khiến họ cảm thấy xấu hổ hoặc thiếu tự tin về bản thân. Con số này tăng lên một nửa (50%) ở nữ giới từ 17 đến 21 tuổi.
Con người là những sinh vật xã hội và bộ não của chúng ta đã phát triển để tạo thành cộng đồng, giao tiếp và làm việc. Nhưng chúng ta không quen với việc phơi bày bản thân trước sự phán xét của toàn thế giới mỗi ngày, hệ quả là nhiều người thường xuyên cảm thấy bị choáng ngợp bởi mức độ tiếp xúc này trên mạng xã hội, các nhà nghiên cứu lý giải.
Nếu không cẩn thận, cuộc sống trên mạng xã hội sẽ trở thành nguồn gốc của chứng căng thẳng kéo dài. Người dùng có thể hạn chế tiếp xúc bằng cách tắt thông báo từ các ứng dụng mạng xã hội, giảm thời gian dùng điện thoại, hay tự tạo ra những khoảng thời gian "cách ly" với điện thoại di động.
"Chúng ta cần đưa ra các biện pháp kiểm soát các sản phẩm kỹ thuật số này, đặc biệt là đối với trẻ vị thành niên, giống các chất kích thích như rượu, bia”, Lambke nói.