Một nghiên cứu gần đây của Đại học Oxford ước tính rằng việc hoãn ngày tổ chức và các chi phí phát sinh do đại dịch đã khiến Thế vận hội Tokyo 2020 có thể là đại hội thể thao tốn kém nhất lịch sử, với tổng chi phí vào khoảng 15,4 tỷ USD.
Chi phí xây dựng một bệnh viện 300 giường ở Nhật Bản rơi vào khoảng 55 triệu USD. Như vậy, số tiền bỏ ra cho Olympic có thể được dùng để xây dựng gần 300 bệnh viện như trên, theo AP.
Trung bình để xây một trường tiểu học ở Nhật Bản cần đến 13 triệu USD. Như vậy, 15,4 tỷ USD đủ kinh phí cho 1.200 ngôi trường.
Một chiếc Boeing 747 có giá khoảng 400 triệu USD. Điều này có nghĩa là chi phí cho Thế vận hội tương đương với 38 chiếc máy bay cỡ lớn.
Dẫu vậy, Thế vận hội vẫn được tổ chức bất chấp những ưu tiên cấp bách hơn trong đại dịch, và bất chấp sự phản đối của nhiều người.
Sân vận động Quốc gia ở Tokyo, địa điểm tổ chức lễ khai mai và bế mạc cho Olympic Tokyo, được xây dựng lại và chính thức mở cửa vào tháng 12/2019. Ảnh: Olympics. |
Ai được lợi?
Trên thực tế, một số cuộc kiểm toán của chính phủ Nhật Bản cho biết chi phí thực sự cho Thế vận hội Tokyo 2020 có thể lớn hơn, thậm chí gấp đôi.
Khoảng 6,7 tỷ USD đến từ ủy ban tổ chức và các nhà tài trợ. Số tiền còn lại đến từ tiền thuế của người dân Nhật Bản.
Các quan chức nói rằng việc dời ngày tổ chức và dịch bệnh đã làm phát sinh thêm 2,8 tỷ USD. Việc cấm người hâm mộ đến xem trực tiếp các sự kiện cũng đã khiến Thế vận hội Tokyo thất thu toàn bộ tiền bán vé, vốn được ước tính sẽ mang về 800 triệu USD cho nhà tổ chức.
Ban tổ chức Olympic Tokyo đã huy động được số tiền kỷ lục là 3,3 tỷ USD từ các nhà tài trợ trong nước, bao gồm công ty quảng cáo khổng lồ của Nhật Bản - Dentsu. Tuy nhiên, nhiều nhà tài trợ đã phàn nàn một cách công khai trong thời gian diễn ra Thế vận hội rằng khoản đầu tư của họ là lãng phí, vì không có người hâm mộ.
Toyota, một trong 15 nhà tài trợ hàng đầu của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), đã rút quảng cáo liên quan đến Thế vận hội của họ khỏi truyền hình ở Nhật Bản, vì luồng dư luận trái chiều về việc tổ chức sự kiện giữa đại dịch.
Đơn vị có lợi nhất từ đại hội thể thao này dường như chính là IOC. Ngay cả khi Thế vận hội không có khán giả, tổ chức này vẫn đảm bảo được thu nhập từ việc bán bản quyền phát sóng và thu về 3-4 tỷ USD.
Đội bóng mềm Nhật Bản giành huy chương vàng tại Thế vận hội Tokyo, ngày 27/7. Ảnh: Reuters. |
Theo AP, IOC về cơ bản là một doanh nghiệp thể thao và giải trí. Gần 75% thu nhập của tổ chức này đến từ việc bán bản quyền phát sóng, và 18% từ các nhà tài trợ.
Sở dĩ IOC vẫn có thể thúc đẩy Thế vận hội diễn ra là vì một số điều khoản trong bản thỏa thuận tổ chức với Nhật Bản có lợi cho IOC chứ không có lợi cho nước chủ nhà.
Trong một cuộc phỏng vấn vào tuần trước, Chủ tịch của IOC Thomas Bach cho biết lợi ích tài chính không phải là trọng tâm của quyết định dời ngày tổ chức thay vì hủy bỏ Thế vận hội.
Ông Bach nói: “Chúng tôi có thể đã hủy Thế vận hội từ 15 tháng trước. Về mặt tài chính, đó sẽ là giải pháp dễ dàng nhất cho IOC, nhưng chúng tôi đã không làm vậy và không rút tiền bảo hiểm mà chúng tôi có vào thời điểm đó”.
IOC chưa bao giờ tiết lộ họ có bao nhiêu bảo hiểm, cũng như được bảo hiểm chi trả những gì.
Thế vận hội tạo ra ít lợi ích kinh tế
Nhà kinh tế học thể thao người Đức Wolfgang Maennig cho biết Thế vận hội mang lại rất ít lợi ích về kinh tế.
“Sau ba thập kỷ nghiên cứu thực nghiệm, các nhà kinh tế học đồng ý rằng Thế vận hội không tạo ra bất kỳ tác động tích cực đáng kể nào đối với thu nhập quốc gia (hoặc thậm chí khu vực), việc làm, thu nhập thuế, du lịch, v.v.”, ông Maennig nói.
Vận động viên cử tạ người Syria vừa hoàn thành một phần thi của mình tại Thế vận hội Tokyo, ngày 4/8. Ảnh: Reuters. |
Ông cho biết lợi ích của Olympic thường nằm ở thành tích của nước chủ nhà, cơ sở thể thao mới, sự nâng cao nhận thức quốc tế về nước đăng cai, và sự đẩy nhanh tái tạo đô thị.
Phần lớn lợi ích từ đại hội thể thao này thuộc về các công ty xây dựng và nhà thầu. Tokyo đã xây dựng tám địa điểm mới. Hai công trình đắt nhất là Sân vận động Quốc gia - trị giá 1,43 tỷ USD, và trung tâm thủy sinh mới - trị giá 520 triệu USD.
Hai nhà tổ chức Olympic tiếp theo là Pháp (đăng cai năm 2024) và Mỹ (năm 2028) cho biết họ đang cắt giảm đáng kể việc xây dựng mới.
Dù Tokyo có thể chịu thiệt hại kinh tế ngắn hạn do đại dịch và do không đón người hâm mộ, thiệt hại đó được cho là nhỏ với quốc gia có nền kinh tế 5.000 tỷ USD.
Trong một nghiên cứu khác về chi phí Olympic có tên “Đi tìm huy chương vàng: Kinh tế của Thế vận hội” của Robert Baade và Victor Matheson, hai nhà nghiên cứu chỉ ra rằng đầu tư vào Olympic là rủi ro, và chỉ một số ít quốc gia đăng cai gặt hái được lợi ích.