Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Giá Bitcoin bật tăng mạnh

Những rủi ro trên thị trường chứng khoán khiến nhiều nhà đầu tư đổ tiền vào Bitcoin - tài sản được coi là "vàng kỹ thuật số". Điều này giúp giá Bitcoin bật tăng.

Dữ liệu của CoinMarketCap chỉ ra giá trong vòng 24 giờ qua, giá Bitcoin tăng từ ngưỡng thấp 42.700 USD/đồng lên 44.800 USD/đồng, áp sát mốc quan trọng 45.000 USD/đồng.

Tính đến 15h30, đồng tiền mã hóa lớn thế giới được giao dịch quanh ngưỡng 44.700 USD/đồng, tăng 3,37% so với một ngày trước đó. Giá trị vốn hóa thị trường của Bitcoin cán mốc 840 tỷ USD.

Các loại tiền mã hóa khác cũng đồng loạt tăng giá. Tổng vốn hóa của thị trường tiền mã hóa đạt 1.940 tỷ USD. Giá Ether - đồng tiền mã hóa lớn thứ 2 thế giới - tăng 4,53% so với một ngày trước đó lên 3.110 USD/đồng.

Giá Cardano - đồng tiền mã hóa lớn thứ 4 - chứng kiến mức tăng giá 4,25%. Năm nay, Cardano chứng kiến đà tăng giá mạnh mẽ, có thời điểm trở thành đồng tiền mã hóa lớn thứ 3.

Bitcoin tang gia anh 1

Giá Bitcoin bật tăng mạnh mẽ hôm 1/10. So với một ngày trước đó, đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới tăng giá hơn 2.000 USD/đồng, áp sát mốc quan trọng 45.000 USD/đồng. Ảnh: CoinMarketCap.

Tiền rời khỏi thị trường chứng khoán

"Giá Bitcoin bật tăng bởi Phố Wall chật vật vì mâu thuẫn giữa lưỡng đảng Mỹ về trần nợ, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và ngày càng nhiều người lo ngại về rủi ro đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu", chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ) bình luận với Zing.

"Các nhà đầu tư đã tìm cách đổ tiền vào loại tài sản an toàn hơn. Đó là Bitcoin. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đồng tiền này đã thoát khỏi giai đoạn điều chỉnh", vị chuyên gia tài chính cảnh báo.

Trong phiên giao dịch cuối cùng của tháng 9, chỉ số Dow Jones sụt giảm 546,8 điểm, tương đương 1,59%, xuống 33.843,92 điểm. Chỉ số S&P 500 lao dốc 1,19% còn 4.307,54 điểm. Chỉ số Nasdaq tụt 0,4% về 14.448,58 điểm.

Giá Bitcoin tăng bởi Phố Wall chật vật vì mâu thuẫn giữa lưỡng đảng Mỹ về trần nợ, cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu và ngày càng nhiều người lo ngại về rủi ro đối với sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu

Chuyên gia tài chính Edward Moya tại hãng tư vấn Oanda (Mỹ)

Phiên giao dịch khép lại một tháng nhiều biến động của thị trường chứng khoán Mỹ. Mối lo ngại về lãi suất trái phiếu leo thang, lạm phát gia tăng, khủng hoảng nợ của China Evergrande - tập đoàn bất động sản lớn thứ 2 Trung Quốc - và vấn đề nợ trần của Mỹ đã phủ bóng lên thị trường.

Hôm 29/9, Hạ viện Mỹ phê chuẩn dự luật nhằm đình chỉ mức nợ trần của Mỹ. Dự luật được đưa ra trong bối cảnh ngân sách cho chính phủ liên bang chuẩn bị cạn kiệt. Nếu không có ngân sách mới, hàng trăm nhân viên liên bang sẽ phải thôi việc.

Tuy nhiên, khi dự luật này được bỏ phiếu tại Thượng viện Mỹ, đảng Cộng hòa đã bác bỏ. Đảng Cộng hòa thể hiện ý định buộc phe Dân chủ phải đánh đổi bằng những nhượng bộ trong các kế hoạch chi tiêu khổng lồ của Tổng thống Mỹ Joe Biden.

Cùng với mâu thuẫn về trần nợ Mỹ là cuộc khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Trong đó, các ngành công nghiệp của Trung Quốc bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo giới quan sát, những sự kiện kể trên đã phủ bóng lên thị trường chứng khoán Mỹ. Một phần dòng tiền đổ sang Bitcoin - kho lưu trữ giá trị được coi là "vàng kỹ thuật số".

Cần quy định rõ ràng hơn

Theo chuyên gia Craig Erlam (có trụ sở tại London), việc Bitcoin phá vỡ ngưỡng 45.000 USD/đồng sẽ mang sự lạc quan trở lại thị trường tiền mã hóa.

"Đồng tiền mã hóa lớn nhất thế giới đang dần vượt xa ngưỡng 40.000 USD/đồng. Tuy nhiên, Bitcoin có thể sẽ gặp nhiều trở ngại khi tiến đến mức 48.000 USD/đồng, cho đến khi nhiều quy định rõ ràng hơn được đưa ra", ông Moya tại Oanda cảnh báo.

Hôm 24/9, 10 cơ quan chính phủ Trung Quốc, bao gồm Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC), tuyên bố sẽ hợp tác chặt chẽ để siết chặt các hoạt động liên quan đến tiền mã hóa.

PBoC cho biết tiền mã hóa sẽ không được lưu thông trên thị trường như tiền tệ truyền thống. Cơ quan này cũng cấm các sàn giao dịch ở nước ngoài cung cấp dịch vụ cho những nhà đầu tư ở Trung Quốc thông qua Internet.

Bitcoin tang gia anh 2

Biến động giá của Bitcoin trong vòng 7 ngày qua. Các chuyên gia cảnh báo rằng tuy đã tăng giá trở lại, đồng tiền mã hóa này vẫn chưa kết thúc đà điều chỉnh. Ảnh: CoinMarketCap.

Bắc Kinh cũng cấm các tổ chức tài chính, công ty thanh toán và công ty Internet tạo điều kiện cho những giao dịch tiền mã hóa.

Ngoài Trung Quốc, các cơ quan quản lý Mỹ cùng tìm cách siết chặt quản lý với thị trường tiền mã hóa đang phát triển nóng. Tuy nhiên, theo chuyên gia Moya, giới đầu tư tiền mã hóa lạc quan rằng những quy định mới đối với thị trường sẽ không cản trở sự đổi mới hay phá vỡ cách thị trường vận hành.

"Ngược lại, việc áp dụng các quy định sẽ giúp Bitcoin và những đồng tiền mã hóa khác tiến gần hơn với các tài sản tài chính chủ đạo", ông giải thích.

Một số chuyên gia dự đoán rằng Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch Mỹ (SEC) sẽ bật đèn xanh cho một quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) Bitcoin trong tháng tới. "Điều đó có thể giúp giá tăng lên mức 100.000 USD/đồng", nhà báo Billy Bambrough viết trên Forbes.

Bitcoin chưa thể lấy lại đà tăng giá

Theo giới chuyên gia, đà giảm giá của Bitcoin đã bắt đầu ngay từ trước khủng hoảng nợ của China Evergrande. Động thái mới của Bắc Kinh càng khiến đồng tiền khó lấy lại đà tăng.

Các nhà máy Trung Quốc điêu đứng vì thiếu điện, giá hàng hóa tăng vọt

Sức ép từ những mục tiêu giảm tiêu thụ năng lượng của chính quyền Trung Quốc đang gây sức ép lớn lên các nhà sản xuất, đẩy giá hàng hóa từ phân bón đến silicon tăng vọt.

Thảo Cao

Bạn có thể quan tâm