Tại Anh, nơi các công ty tư nhân quản lý giá năng lượng, 25% số hộ gia đình bị thu tiền sai do nhầm lẫn trên hóa đơn ít nhất một lần, Guardian đưa tin. Theo Joe Malinowski, chủ một trang web về giá năng lượng, nhiều công ty cung cấp dịch vụ điện tại Anh có vấn đề trong quản lý hóa đơn của khách hàng.
"Người sử dụng nên kiểm tra công tơ điện ít nhất 4 lần trong năm để đảm bảo chúng hoạt động tốt. Sự nhầm lẫn, đôi khi khiến khách hàng không có đủ tiền để trả hóa đơn", Joe nói.
Các hộ gia đình tại Anh trả tiền điện thông qua tài khoản ngân hàng. Đến hạn thanh toán hoá đơn, tiền từ tài khoản của khách hàng sẽ được chuyển tới nhà cung cấp.
Trong tình huống khách hàng không đủ tiền trong tài khoản, một số nhà cung cấp sẽ cộng dồn để thanh toán 1 lần duy nhất theo thời hạn. Trong khi đó, những công ty khác có thể đồng ý cho khách nợ và thanh toán sang chu kỳ sau.
Việc thanh toán qua tài khoản ngân hàng đảm bảo nhà cung cấp không chịu thiệt hại nếu người sử dụng không trả tiền khi có sự bảo lãnh của các công ty bảo hiểm. Đồng thời, việc này cũng nâng cao trách nhiệm của khách hàng, khi các hoạt động sẽ được giám sát bởi ngân hàng và Chính phủ.
Tình trạng ghi sai hóa đơn tiền điện diễn ra không chỉ ở Việt Nam. Ảnh: Đoàn Huấn. |
Năm 2013, một cặp vợ chồng tại London nhận hóa đơn tiền điện lên tới 2.000 bảng. Nguyên nhân là nhà cung cấp nhầm lẫn trong việc tính hóa đơn, khi công tơ điện của gia đình này là loại 5 chữ số, chứ không phải 4 như họ mặc định.
Sau nhiều tháng tranh cãi, cuối cùng EDF, nhà cung cấp điện phải thừa nhận sai lầm và xin lỗi. Hóa đơn điện thực tế chỉ 300 bảng.
"Chúng tôi thực sự bị sốc khi nhận hóa đơn, nhất là khi nó lại trùng với dịp kỷ niệm 45 năm ngày cưới của vợ chồng tôi. Kế hoạch đi du lịch của cả 2 bị hủy bỏ chỉ vì hóa đơn 2.000 bảng đó", nhân vật cho biết. Trên thực tế, trong suốt thời gian tranh cãi, EDF nhiều lần dọa đưa vụ việc ra tòa.
Bên cạnh các trường hợp nhà cung cấp ghi số điện cao hơn thực tế, một số tình huống ghi nhầm hóa đơn thấp hơn cũng xảy ra.
Một số thành viên trên diễn đàn Moneysavingexpert chia sẻ từng gặp tình huống công tơ tiền điện tháng sau ghi số thấp hơn thực tế. Sự nhầm lẫn này khiến khách hàng không phải trả tiền hoặc chỉ bị tính phí cung cấp dịch vụ.
Tuy nhiên, khi nhà cung cấp phát hiện, họ lập tức thu dồn phí vào tháng tiếp theo. Điều này đôi khi gây ra khó chịu cho khách hàng. "Thật không dễ gì khi cùng lúc phải trả một đống tiền hóa đơn", một thành viên chia sẻ.
Một số ý kiến trên diễn đàn này lại cho rằng, nếu sự nhầm lẫn không đến từ khách hàng, nhà cung cấp phải chịu trách nhiệm. Tuy nhiên, việc bắt công ty điện chịu trách nhiệm trong những tình huống trên gần như không thể.
Những điều khoản trong hợp đồng thường ghi rõ về phương thức thanh toán giữa nhà cung cấp và khách hàng. Qua đó, mọi chuyện sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận giữa nhà cung cấp và người sử dụng, giống như câu chuyện của cặp vợ chồng người Anh cùng hóa đơn 2.000 bảng ở trên.