“Khi nhân viên tới thu tiền điện, tôi khiếu nại nhưng họ khẳng định ghi đúng. Tôi yêu cầu đưa ảnh chụp chỉ số công tơ, họ không có. Lát sau, anh ta đọc chỉ số điện đầu và cuối tháng 6 được ghi trong quyển sổ. Theo đó, tháng 6 nhà tôi tiêu thụ hơn 2.000 số (kWh). Tính theo mức lũy tiến, số tiền phải trả trên 5 triệu đồng”, ông Quý (khu đô thị Định Công, Hoàng Mai) kể lại.
Ông Quý khẳng định, gia đình ông không thể sử dụng hết lượng điện năng này và không đồng ý trả tiền, yêu cầu kiểm tra lại công tơ. Tuy nhiên, nhân viên cho biết, chỉ số hiện tại không còn chính xác, bởi chốt từ 5 ngày trước. Sau khi tranh luận, thấy ông Quý làm lớn chuyện, nhân viên mới đồng ý.
Hóa đơn tiền điện tháng 6 tăng đột biến so với tháng 5 do ghi sai. Ảnh: NVCC. |
Kiểm tra công tơ, cả 2 bên xác định chỉ số in trên hóa đơn không đúng. Nhân viên này sau đó thừa nhận nhầm địa chỉ và thu 1.550.239 đồng. Gần 1 tháng sau, đại diện Công ty Điện lực Hoàng Mai đến nhà ông Quý xin lỗi.
"Các tháng trước, tôi đều dặn nhân viên EVN thông báo trước khi đến ghi số điện. Tuy nhiên, họ chỉ báo với bảo vệ tòa nhà để mở khóa công tơ. Sau lần này, tôi yêu cầu phía 'nhà đèn' phải báo trước, chỉ được chốt chỉ số, hóa đơn khi có sự giám sát và đồng ý của chủ nhà", ông cho hay.
Mấy tháng nắng nóng gần đây, nhiều gia đình cũng phản ánh tình trạng tiền điện tăng bất thường do chỉ số điện bị ghi sai.
Chị Hạnh (Đống Đa, Hà Nội) chi hơn 1 triệu đồng kéo dây, lắp công tơ về gần nhà và chủ động theo dõi. Thế nhưng, mới đây, chị giật mình khi nhận hoá đơn của “nhà đèn”. Số điện tiêu thụ tháng 6 tăng 2,5 lần so với tháng 5, khiến số tiền phải trả tăng gấp 3. Chị khẳng định mức tiêu thụ 2 tháng là ngang nhau.
Nghi có sự nhầm lẫn, 1 tuần sau, chị Hạnh tự kiểm tra lại công tơ. Kết quả chỉ số trên công tơ là 7.789, trong khi hóa đơn chốt ngày 9/6 ghi 7.822. Sau khi khiếu nại lên Công ty Điện lực Đống Đa, nhân viên đơn vị này thừa nhận sai sót, do nhìn nhầm số 6 thành số 8 (7.622 nhầm thành 7.822). Người này tư vấn, chị Hạnh nên kiểm tra lại công tơ ngay lúc đại diện "nhà đèn" chốt chỉ số, và hứa bù tiền vào tháng kế tiếp, với mức lũy tiến thấp hơn, trả tiền chênh lệch cho chị.
"Ngày thông báo chốt số điện, tôi đã ở nhà chờ nhưng không thấy nhân viên tới. Đến khi ghi sai, họ đổi lỗi mình chưa kiểm tra. Nếu như tôi không tinh ý phát hiện thì tháng sau, sau nữa... họ cũng vẫn nhầm?", chị Hạnh bức xúc.
Nhìn nhầm số, thu sai địa chỉ là những lý do nhân viên ngành điện đưa ra khi người dân khiếu kiện. Ảnh: NVCC. |
Chị Hạnh cũng thông tin thêm, để đối phó với tình trạng nhầm lẫn, các hóa đơn điện gần đây đều được giữ lại phòng khi cần tới. "May mắn là công tơ mình gắn ngay ở nhà, chứ cách xa hàng trăm mét, nhân viên điện lực giữ khóa hộp sẽ rất khó theo dõi", chị chia sẻ.
Trong sáng 15/7, Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội (EVN Hà Nội) đã có thông cáo báo chí về vụ việc. EVN Hà Nội thừa nhận sai sót về trường hợp của một số hộ dân và gia đình ông Quý. Nguyên nhân sự cố được EVN Hà Nội xác định là nhầm địa chỉ. Đơn vị đã gửi thư xin lỗi đến khách hàng, hứa khắc phục những điểm còn thiếu sót.
Cơ quan này chia sẻ, khi phát hiện có sự nhầm lẫn, đoàn kiểm tra đã giải thích cho khách hàng hiểu và thực hiện hủy bỏ, lập hóa đơn mới theo đúng thực tế. Công ty đã kỷ luật với nhân viên ghi sai chỉ số và tổ điều hành hóa đơn.
Ngoài ra, đơn vị này cho biết đã nhắn tin đến tất cả khách hàng có đăng ký số điện thoại di động về thời gian ghi chỉ số công tơ điện của gia đình, niêm yết lịch ghi chỉ số tại UBND phường, nhà văn hóa các quận, huyện, đăng tải trên website công ty, để khách hàng cùng theo dõi và giám sát.