Tại Hội nghị tổng kết ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường cho biết năm 2020, ngành phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức.
Cụ thể, đại dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tác động đến đời sống kinh tế - xã hội làm đứt gãy các chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ảnh hưởng trực tiếp tới sản xuất và hoạt động xuất nhập khẩu tiêu thụ nông sản; dịch tả lợn châu Phi giảm mạnh nhưng chưa được khống chế hoàn toàn nên gây không ít khó khăn cho tăng đàn, tái đàn; cúm gia cầm có nguy cơ bùng phát khi tổng đàn đang rất lớn.
Lũ lụt hạn hán xâm nhập mặn xảy ra ở cả 3 miền, nhất là khu vực miền Trung và vùng đồng bằng sông Cửu Long; thị trường tiêu thụ một số mặt hàng nông sản có xu hướng giảm và chịu tác động từ chiến tranh thương mại giữa các nền kinh tế lớn, các nước gia tăng áp dụng những biện pháp bảo hộ hàng rào kỹ thuật.
Có 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Ảnh: Hoàng Hà. |
“Trong bối cảnh đó, tốc độ tăng trưởng GDP toàn ngành khoảng 2,65%; tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 41,25 tỷ USD; trên 62% xã đạt chuẩn nông thôn mới; tỷ lệ che phủ rừng đạt 42%; thu nhập của cư dân nông thôn đạt 43 triệu đồng/người/năm”, Bộ trưởng nói.
Đối với chăn nuôi, Bộ trưởng cho biết sản lượng thịt các loại năm 2020 đạt 5,27 triệu tấn, tăng 3,5% so với năm 2019; sữa tươi đạt trên 1,1 triệu tấn, tăng 12,9%; trứng 14,15 tỷ quả, tăng 6,6%. Trong khi đó, tổng sản lượng thủy sản đạt trên 8,4 triệu tấn, tăng 3,6% so với năm 2019.
Thị trường tiêu thụ nông lâm thủy sản tiếp tục phát triển, thị trường trong nước được mở rộng hơn. Kim ngạch xuất khẩu năm 2020 đạt khoảng 41,2 tỷ USD, duy trì 9 nhóm mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, trong đó có gỗ và sản phẩm gỗ, tôm, rau quả, hạt điều, gạo có kim ngạch đạt trên 3 tỷ USD.
Theo đó, mục tiêu của ngành NNPTNT trong năm 2021 phấn đấu tốc độ tăng trưởng khoảng 2,7-3%; tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản trên 2,8-3,1%, trong đó trồng trọt tăng 1,3%, chăn nuôi tăng 5,7% và thủy sản tăng 3,8%. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt trên 42 tỷ USD.
Để đạt được những mục tiêu đề ra như trên, Bộ trưởng NNPTNT cho rằng cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa của từng vùng miền; đồng bộ hóa các giải pháp và chương trình, kế hoạch hành động phát triển nông nghiệp hiện đại.
Thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực, đáp ứng nhu cầu thị trường, ứng dụng công nghệ cao, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị.
Chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản phù hợp, thích ứng với biến đổi khí hậu, đảm bảo hiệu quả và an ninh lương thực quốc gia. Phát hiện, xử lý kịp thời dịch bệnh, đẩy mạnh nghiên cứu, đánh giá, sản xuất vắc xin phòng dịch. Giải quyết dứt điểm việc gỡ “thẻ vàng” của EC đối với đánh bắt hải sản.
Bên cạnh đó, tổ chức liên kết chặt chẽ giữa các địa phương có các vùng nguyên liệu tương đồng, tạo đột phá trong phát triển nhanh, bền vững, nâng cao giá trị gia tăng, hiệu quả và khả năng cạnh tranh hàng nông sản Việt Nam. Kết nối nông nghiệp với công nghệ bảo quản, công nghiệp chế biến và thị trường, xuất khẩu, với chuỗi giá trị toàn cầu.