Ước mơ, khao khát được đến Paris học tập của Manya dường như đã bị cuộc sống tù túng, cũng như những khó khăn ở vùng quê này làm cho nguội lạnh. Cô nghĩ đến dự định đẹp đẽ mà mình từng bàn bạc với chị Bronia ngày nào và mỉm cười vì nó quá xa vời.
Dự định đó ngày càng mờ mịt, giống như cô đang đi trên một con đường đầy dốc đá cheo leo, nhưng sương mù dày đặc lại che phủ toàn bộ tầm nhìn phía trước. Người con gái có tấm lòng cao cả, đầy nghị lực ấy cũng chỉ là một con người bình thường như biết bao con người khác.
Có lúc cô cảm thấy đau khổ, chán chường và muốn từ bỏ tất cả, nhưng rồi, cô lại nhanh chóng thấy mình phải phấn đấu nhiều hơn nữa để chống lại cảnh ngộ. Vì thế, càng buồn, càng tủi bao nhiêu, cô càng say mê học tập bấy nhiêu.
Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu, cô chăm chỉ đọc những cuốn sách vật lý, xã hội học, sinh vật học bằng tiếng Pháp, tiếng Nga… mượn từ thư viện của xưởng sản xuất. Cô muốn nâng cao vốn kiến thức tự học càng nhiều càng tốt, như một người nông dân cố gắng tưới tắm, vun xới để cái cây mình trồng ngày càng xanh tốt giữa mảnh đất đá sỏi cằn cỗi.
Tạo hình Marie Curie trong phim Marie Curie: The Courage of Knowledge (2016). |
Rồi một sự việc bất ngờ xảy đến với Manya như lẽ hiển nhiên. Cô gái xinh xắn, trẻ trung, có học thức, thông minh, dịu dàng trở nên nổi bật như một bông hoa có cả sắc lẫn hương giữa cánh đồng hoang sơ đầy cỏ dại, đã khiến chàng sinh viên đại học Kazimierz yêu say đắm ngay từ lần gặp gỡ đầu tiên.
Kazimierz là cậu con trai lớn của ông bà Zorawski từ Warszawa về quê nghỉ hè. Sống ở một nơi xa lạ giữa những người ít học, không cùng lý tưởng, nên Manya cũng có cảm tình với chàng sinh viên đẹp trai, hiểu rộng đó.
Vì vậy, họ đã yêu nhau. Nhìn từ bên ngoài có thể đánh giá đây là một mối tình đẹp, trai tài gái sắc. Ông bà Zorawski rất mến cô giáo gia sư vì đã mấy lần ông bà mời bố và các anh chị của Manya về Szczuki chơi.
Bà chủ thường dành thời gian rảnh rỗi đi dạo cùng cô, tặng quà cho cô vào dịp sinh nhật. Quan hệ của cô với Bronka cũng rất tốt. Còn mấy đứa trẻ thì không phải nói, giờ đây chúng yêu quý cô như chị gái của mình.
Do đó, Kazimierz đã không ngần ngại xin phép cha mẹ để cưới Manya làm vợ. Họ muốn kết hôn. Ngay lập tức, nỗi buồn và sự cay đắng ập đến với cô vì ông bà Zorawski phản đối kịch liệt.
Ông Zorawski trợn tròn mắt nhìn cậu con trai quý tử:
- Sao? Mày định lấy một con bé gia sư nghèo kiết xác về làm vợ? Mày có biết gia đình này là gia đình thế nào không? Bao nhiêu đám quyền quý nhất nhì cái tỉnh này muốn làm thông gia với bố còn chưa được, huống hồ mày lại xin phép bố một việc điên rồ như thế? Tỉnh lại đi con!
- Trời ơi, thế này là thế nào? Mẹ mến nó là vì nó ngoan ngoãn, nết na. Nhưng như thế không có nghĩa là nó có thể trở thành con dâu nhà này được. Mày có lú lẫn không hả con? Một thằng con trai có học thức, con nhà giàu như mày lấy đâu chẳng được con gái đẹp và giàu sang?
Bà Zorawski cũng tru tréo lên, rồi ngất xỉu vì sửng sốt.
Chàng sinh viên Kazimierz chưa bao giờ vấp phải sự phản đối như vậy từ bố mẹ, nay hết bị mắng mỏ, lại nghe khuyên lơn, rồi thuyết phục. Dần dần, quyết tâm bảo vệ tình yêu với cô gái nghèo của Kazimierz cũng giảm sút.
Manya càng nhận ra rõ ràng sự phân biệt giàu nghèo trong xã hội. Khi dựng vợ, gả chồng cho con cái, cha mẹ chỉ quan tâm đến tài sản và của hồi môn, họ không cần biết tính cách, năng lực của cô gái và chàng trai đó ra sao, cho dù bố cô gái có là một thầy giáo ở thành phố thì họ cũng không quan tâm nếu cô ta không có nhiều tiền.
Dù đau buồn, Manya cũng không thể rời bỏ nhà ông bà Zorawski mà đi được. Ở Paris, chị Bronia vẫn cần cô viện trợ, còn ở Warszawa, ông Wladyslaw đang lo lắng cho tương lai của cô từng ngày vì ông sắp sửa nghỉ hưu.
Tất cả những sự việc trên xảy ra không một chút ồn ào, mà chỉ thầm lặng, âm ỉ. Manya đành phải ngậm đắng nuốt cay ở lại dạy học, coi như không có chuyện gì xảy ra. Nhưng thực ra từ đó, một hàng rào xã hội ngăn cách cô và những người trong gia đình ông bà Zorawski đã xuất hiện.
Đau khổ trong tình yêu, thất vọng vì chưa thực hiện được hoài bão học tập, đời sống vật chất túng thiếu, Manya cảm thấy mình đã sa vào một nơi bùn lầy và khó lòng rút chân ra được. Cô vẫn hướng về gia đình, nhưng không phải để cầu cứu, cũng chẳng phải để thổ lộ nỗi niềm chua chát, đắng cay.
Sau hai năm làm cô giáo dạy gia sư ở nơi này, Manya nhớ nhà da diết, cô khao khát tình ruột thịt. Nỗi niềm từ trong sâu thẳm tâm hồn người thiếu nữ sớm phải bươn trải được gửi gắm phần nào trong bức thư gửi cho người anh trai. Đây là một đoạn trong bức thư mà cô gửi cho anh Józef ngày 18/3/1888:
“… Anh Józef thân mến, còn cái tem cuối cùng em biên thư cho anh. Lúc này, em không còn một xu dính túi…
Nếu anh biết em mong mỏi được trở về Warszawa vài ngày như thế nào. Chưa nói đến quần áo mặc đã cũ quá rồi, cần phải sửa sang, may mới… mà đến tâm hồn của em cũng chẳng chịu nổi nữa.
Chao, giá được thoát khỏi vài ngày cái không khí giá lạnh này, lúc nào cũng bị chỉ trích, bị xét nét từng lời nói, cử chỉ. Em cần thay đổi không khí như người ta cần tắm mát sau một ngày oi bức vậy…”
Tuy phải sống trong không khí ngộp thở đó, Manya vẫn viết thư động viên, khích lệ các anh chị phải quyết tâm vượt qua mọi thử thách khi đang có điều kiện may mắn hơn cô. Những lá thư viết cho ông Wladyslaw cho thấy cô yêu bố tha thiết, đồng thời, không quên hứa rằng cô sẽ phát huy hết nền giáo dục mà cha mẹ đã bồi đắp cho các con từ thuở lọt lòng.
Không những thế, cô còn khuyên bố không nên suy nghĩ, buồn phiền nhiều vì đã không giúp gì được cho các con. Một đôi lần, cô cũng bộc lộ nỗi buồn với ông Wladyslaw. Đó là nỗi buồn chưa thể làm gì để đền đáp công lao nuôi dưỡng và dạy dỗ của cha già, ngoài việc yêu thương và kính trọng ông.