Trong ngôi nhà vách lá được cất tạm bợ trên mảnh đất của người thân ở xã Định Hòa, huyện Gò Quao, tỉnh Kiên Giang, ông Trần Văn Việt (45 tuổi) vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại câu chuyện sống sót thần kỳ sau gần 4 ngày trôi dạt trên biển khơi.
Mấy ngày qua, có khá đông bà con, hàng xóm đến thăm, động viên ngư dân may mắn trở về từ "cõi chết” này.
Chia sẻ với phóng viên, ông Việt cho biết ông đi theo tàu đánh cá cùng nhiều anh em khác ở huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khoảng 19h ngày 1/6, sau 10 ngày đánh cá, tàu ông trở về đất liền vì cần đưa một người gặp tai nạn vào bờ cấp cứu.
Lúc đó, ông Việt ra mạn tàu phía sau, không may trượt chân rơi xuống biển. Do tiếng động cơ nổ quá lớn nên không ai nghe tiếng ông kêu cứu. Thời điểm đó, tàu cách đất liền khoảng 200 hải lý.
Gương mặt người đàn ông với nhiều vết thương do ngâm nước biển quá lâu. |
“Bơi được một chút thấy ghe lưới ghẹ chạy qua, tôi dùng hết sức vẫy gọi cầu cứu nhưng không ai thấy. Lúc đó, trời cũng nhá nhem tối. Nhìn ánh đèn của con tàu xa dần rồi mất hút, tôi sợ vô cùng. Đêm đến, khi thấy có ánh sáng le lói của các tàu đánh cá khác chạy xa xa là tôi lại bơi về đó để mong được cứu vớt, nhưng không thể đến được. Tôi trôi lênh đênh trên biển trong vô vọng”, ông Việt nhớ lại.
Theo lời ông Việt, trong bóng tối bao trùm, cùng dòng nước lạnh ngắt, ông bơi nương theo con sóng để không bị mất sức và thầm cầu nguyện được sống sót để trở về với gia đình.
Không thức ăn, nước uống, không phao cứu hộ, ông Việt bơi liên tục 2 ngày trên biển và dần mất sức vì đói, khát. Ông đành để cơ thể thả trôi theo dòng nước, mặc cho số phận. May mắn có cơn mưa tạt qua, ông cố há miệng uống nước cầm hơi.
Ông Việt đoàn tụ với gia đình sau khi sống sót trở về. |
“Đến ngày thứ 4 (chiều 4/6 - PV), tôi kiệt sức và dần chìm vào dòng nước thì may mắn được tàu cá vớt lên sơ cứu và đưa đến trung tâm y tế điều trị”, ông Việt kể lại thời khắc được cứu sống.
Ông Việt cho biết thêm, thời điểm được tàu cá phát hiện và cứu sống, ông trôi cách đảo Phú Quý khoảng 35 hải lý (gần 70 km) về hướng Tây Nam.
Ngày 6/6, ông Việt xuất viện và được Mạnh Thường quân hỗ trợ chi phí để về Kiên Giang.
Khi được hỏi về dự định sắp tới, ông Việt cho biết có một tiệm cơm chay ở Vũng Tàu ngỏ ý muốn mời vợ chồng ông ra đó làm và có hỗ trợ ăn ở.
“Sau khi khỏe lại, vợ chồng tôi sẽ ra đó làm rồi gửi tiền về cho bà ngoại nuôi con ăn học, chứ không đi biển nữa, dù hơn 20 năm gắn bó với nghề này”, ông Việt nói.
Phần da lưng của ông Việt bị rộp, bong tróc rất nhiều. Ảnh: PV. |
Bà Quách Hồng Đào (vợ ông Việt) cho biết vì sinh kế, chồng bà lênh đênh theo tàu cá, còn bà ở nhà chăm con, ai mướn gì làm nấy.
"Hôm nghe tin chồng đi biển mất tích, tôi rụng rời tay chân. Suốt ngày đứng ngồi không yên, cứ ngóng trông tin chồng dù biết 'lành ít, dữ nhiều'. Anh em trong gia đình ai cũng an ủi, động viên. Đến ngày thứ 4, hay tin chồng được cứu sống tôi mừng rơi nước mắt”, bà Đào xúc động kể.
Thuyền trưởng Lê Văn Thuận (TP Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) cho biết, thuyền viên trên tàu thấy ông Việt vào chiều 4/6, cách đảo Phú Quý khoảng 35 hải lý (gần 70 km) về hướng Tây Nam. Lúc này, ông Việt nổi ở tư thế nằm úp, đầu hơi nghiêng, trôi tự do trên biển.
Các thuyền viên vớt nạn nhân lên, sơ cứu rồi đưa về đảo Phú Quý, bàn giao cho Đồn Biên phòng trên đảo. Biên phòng chuyển ông tới trung tâm y tế để chăm sóc và điều trị.
Những cuốn sách hay về biển đảo Việt Nam
Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông, do tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới Chính phủ làm chủ biên, nói về lịch sử xác lập, thực thi các quyền, lợi ích chính đáng của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa, với các vùng biển, thềm lục địa thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia.
Cà Nóng chu du Trường Sa là một cuốn sách thú vị về biển đảo, là chuyến du hành ngược thời gian để khám phá những cột mốc lịch sử của cha ông trong tiến trình chinh phục và gìn giữ biển đảo.
Ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Việt Nam thời Nguyễn cung cấp một cái nhìn tổng quát về ngành đóng thuyền và tàu thuyền ở Đàng Trong dưới thời các chúa Nguyễn và ở Việt Nam trong thời kỳ đầu của vương triều Nguyễn (1802-1945). Các chúa Nguyễn đã lập những đội thuyền như: Thanh Châu, Hải Môn, Bắc Hải,… để vượt biển đến quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa cắm cột mốc khẳng định chủ quyền.