Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Gánh đòn trừng phạt khắc nghiệt nhất, Triều Tiên có lung lay?

Gói trừng phạt mới của LHQ cho dù được thực thi đầy đủ và gây tổn hại cho kinh tế Triều Tiên thì vẫn rất khó ngăn nước này tiếp tục đẩy mạnh chương trình vũ khí hạt nhân, tên lửa.

Ngày 5/8, nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua với số phiếu tuyệt đối. Đây là phản ứng của các nước nhằm phản đối Triều Tiên tiến hành hai vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa liên tiếp trong tháng 7. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump ca ngợi nghị quyết trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc "là gói trừng phạt kinh tế lớn nhất từ trước đến nay đối với Triều Tiên. Triều Tiên sẽ tổn thất hơn 1 tỷ USD", khoản tiền khổng lồ đối với một nước tương đối nghèo.

Lệnh trừng phạt có gì mới?

Triều Tiên phải đối mặt với rất nhiều lệnh trừng phạt. Hội đồng Bảo an từng áp đặt lệnh cấm vận trên diện rộng với Triều Tiên khi nước này tiến hành vụ thử hạt nhân đầu tiên năm 2006. Mỹ, cũng như Liên minh châu Âu, Hàn Quốc và Nhật Bản, đều có những lệnh trừng phạt riêng đối với Bình Nhưỡng.

Sau khi Triều Tiên thử tên lửa năm ngoái, Hội đồng Bảo an hồi tháng 3/2016 cũng đã thông qua Nghị quyết 2270, nâng trừng phạt lên một cấp độ mới khi nhắm vào các hoạt động kinh tế không liên quan tới phổ biến vũ khí hạt nhân của Triều Tiên.

Tuy nhiên, bản nghị quyết 2270 vẫn cho phép nước này thực hiện các hoạt động xuất khẩu than đá để tăng nguồn thu cải thiện đời sống cho người dân.

Gói trừng phạt mới toàn diện hơn những biện pháp trước đó khi cắt hoàn toàn doanh thu từ xuất khẩu than đá, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên.

Chuyên gia Benjamin Katzeff Silberstein

Washington Post nhận định nghị quyết mới số 2371 đã lấp lỗ hổng đó khi cấm hoàn toàn việc xuất khẩu khoáng sản và thủy sản của Triều Tiên, trong đó có than đá, mặt hàng xuất khẩu chính của quốc gia này, cũng như sắt và quặng sắt.

Ngoài ra, nghị quyết cũng cấm các nước tăng số lượng lao động Triều Tiên hiện tại đang làm việc ở nước ngoài, cấm lập liên doanh mới với Triều Tiên hay đầu tư mới vào các liên doanh hiện tại.

Nghị quyết cũng thắt chặt các hạn chế đối với việc mua bán công nghệ nhằm ngăn Triều Tiên có được những mặt hàng có thể sử dụng cho chương trình quân sự. Nghị quyết còn bổ sung 9 cá nhân và 4 thực thể của Triều Tiên vào danh sách trừng phạt, trong đó có một ngân hàng chủ chốt, buộc họ phải chịu sự đóng băng tài sản toàn cầu và bị cấm đi lại.

Dự kiến, nghị quyết này có thể khiến doanh thu xuất khẩu hàng năm của Triều Tiên (hiện là 3 tỷ USD) bị cắt giảm một phần ba.

chuong trinh hat nhan Trieu Tien anh 1
Nghị quyết trừng phạt mới đối với Triều Tiên mang số 2371 được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua với số phiếu tuyệt đối ngày 5/8. Ảnh: AFP.

"Tựu trung lại, gói trừng phạt mới toàn diện hơn những biện pháp trước đó khi cắt hoàn toàn doanh thu từ xuất khẩu than đá, mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Triều Tiên", Benjamin Katzeff Silberstein, chuyên gia tại Viện Nghiên cứu Chính sách đối ngoại, đánh giá. 

Các nước thống nhất thông qua lệnh trừng phạt này với hy vọng buộc Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân, hoặc chí ít là chấp nhận đàm phán.

Nhưng tính hiệu quả của nó thực sự là điều khó dự đoán. Thực tế cho thấy chương trình vũ khí của Triều Tiên hầu như "miễn nhiễm" với những lệnh trừng phạt trước đó. 

Đã quen trừng phạt

Nhiều chuyên gia tỏ ra nghi ngờ về tính khắc nghiệt của các biện pháp này. Ngay cả nếu chúng thực sự cắt giảm hơn một phần ba doanh thu xuất khẩu của Bình Nhưỡng - như Mỹ mong đợi - thì liệu có đủ để khiến nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un chấp nhận ngừng chương trình tên lửa hạt nhân hay không? 

"Có lẽ là không", John Delury, giáo sư tại Đại học Yonsei, Hàn Quốc dự đoán trên CNN. "Bởi một điều: Triều Tiên rất giỏi trong việc 'chịu đau'".

chuong trinh hat nhan Trieu Tien anh 2
Triều Tiên tổ chức tiệc mừng phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa có thể bắn tới Mỹ tối 6/7. Ảnh: Reuters.

Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã giáng xuống Triều Tiên hết lệnh trừng phạt này tới lệnh trừng phạt khác kể từ năm 2006 nhưng tất cả đều không làm suy chuyển tham vọng hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bằng chứng là hồi tháng trước, Triều Tiên thử thành công hai tên lửa đạn đạo liên lục địa mà Mỹ lo ngại nước này giờ đây đã nằm trong tầm ngắm của Bình Nhưỡng. 

Triều Tiên đã làm "những điều ấn tượng trong suốt lịch sử tồn tại, kể từ những năm 1940 khi quốc gia này được thành lập, với khả năng vượt qua hầu như mọi áp lực kinh tế", Delury cho biết. "Đây không phải là quốc gia dễ dàng đầu hàng".

Triều Tiên rất giỏi trong việc chịu đau. Đây không phải là chế độ dễ dàng đầu hàng.

Giáo sư John Delury

Theo AP, bất chấp mọi khó khăn kinh tế, chính quyền của ông Kim Jong Un cho thấy họ sẽ không thương lượng về kho vũ khí hạt nhân đang phát triển nhanh chóng (ước tính có 20 quả bom nguyên tử) và tên lửa đạn đạo cần cho việc vận chuyển chúng. 

"Trên giấy tờ, (nghị quyết mới) là sự trừng phạt hết sức nghiêm khắc với Triều Tiên về mặt kinh tế. Nhưng Bình Nhưỡng đã né tránh được những lệnh cấm vận trong quá khứ, mọi chuyện giờ đây có vẻ sẽ không khác là nhiều", Scott Snyder, chuyên gia về Triều Tiên, bình luận trên AP.

Trừng phạt đi về đâu?

Lệnh trừng phạt kinh tế mới được cho là cứng rắn nhất từ trước tới nay đối với Triều Tiên nhận được sự ủng hộ từ Trung Quốc, đồng minh truyền thống và là đối tác kinh tế chính của Bình Nhưỡng. Song các chuyên gia nghi ngờ việc Bắc Kinh sẽ theo sát đầy đủ nghị quyết này trên thực tiễn.

Bắc Kinh một mặt phản đối chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng, mặt khác lo ngại Triều Tiên có thể sụp đổ. Đây là viễn cảnh Trung Quốc không hề mong đợi, bởi nó có thể kéo theo làn sóng người Triều Tiên ồ ạt tràn qua biên giới.

"Con số 1 tỷ USD (doanh thu xuất khẩu của Triều Tiên dự kiến bị cắt do trừng phạt) phụ thuộc vào việc Trung Quốc triển khai lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc một cách nghiêm túc. 11 năm qua cho thấy họ khó sẽ đạt được như vậy", Anthony Ruggiero, cựu quan chức tại Bộ Ngân khố Mỹ, nhìn nhận. 

Báo cáo của Liên Hợp Quốc hồi đầu năm cảnh báo rằng việc thực thi các lệnh trừng phạt Triều Tiên của các nước trên thế giới hiện nay "vẫn chưa đầy đủ và nhất quán".

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson hôm 7/8 cũng thừa nhận thực thi nghị quyết là vấn đề. Ông nói với các phóng viên rằng Mỹ sẽ "giám sát chặt chẽ và chắc chắn sẽ trao đổi với bất kỳ quốc gia nào mà Mỹ thấy là không thể đảm bảo tinh thần cũng như việc thực thi các biện pháp trừng phạt đó". 

Thậm chí, nếu như kịch bản tốt nhất xảy ra là các lệnh trừng phạt thực sự phát huy hiệu quả, nền kinh tế Triều Tiên chịu tổn thương nặng nề, thì câu hỏi đặt ra là cần làm gì tiếp theo.

Liệu Bình Nhưỡng có chịu từ bỏ vũ khí hạt nhân hay không? Nếu không thì Mỹ có biện pháp mới nào? Rõ ràng Trump không phải là tổng thống Mỹ đầu tiên chọn cấm vận thay vì đối đầu quân sự với Triều Tiên.

Theo Washington Post, ngay cả khi các biện pháp cấm vận Triều Tiên được thực thi đầy đủ, các nước sẽ vẫn không có được điều họ muốn. Trong quá khứ, Bình Nhưỡng không những không chịu khuất phục mà còn tranh thủ dùng những lệnh trừng phạt làm công cụ tuyên truyền, tập hợp sự đoàn kết trong nước. 

chuong trinh hat nhan Trieu Tien anh 3
Nhà lãnh đạo Kim Jong Un giám sát vụ phóng thử tên lửa đạn đạo liên lục địa Hwasong-14 tại khu vực phía tây bắc Triều Tiên ngày 4/7. Ảnh: Reuters.

Những tuyên bố của Triều Tiên cho thấy nước này chẳng bận tâm đến những luật chơi do Mỹ đề ra. Bộ trưởng Ngoại giao Triều Tiên Ri Yong Ho mới đây tuyên bố rằng đất nước của ông sẽ không thương lượng về vũ khí hạt nhân hay tên lửa đạn đạo, "trong bất cứ hoàn cảnh nào". 

Richard Nephew, cựu quan chức Bộ Ngoại giao Mỹ, người tham gia soạn thảo thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, cho rằng các lệnh trừng phạt chỉ có thể thành công khi đi kèm với nỗ lực đàm phán thực sự đáng tin cậy. 

"Đã tới lúc đi tới một thỏa thuận để giảm bớt mối đe dọa từ kho vũ khí của Triều Tiên và ổn định bán đảo trước khi tình hình vượt khỏi tầm kiểm soát", ông Nephew viết trên trang 38 North. 

Mối đe dọa khôn lường từ tên lửa liên lục địa của Triều Tiên Việc Triều Tiên tuyên bố phóng thành công tên lửa đạn đạo liên lục địa trong ngày 4/7 được coi là mối đe dọa trực tiếp tới an ninh của Mỹ và các đồng minh.

Ngụy An

Bạn có thể quan tâm