Nhiều tòa nhà bị đổ sập tại Hatay, Thổ Nhĩ Kỳ sau trận động đất, được chụp vào ngày 7/2. Ảnh: Reuters. |
Tính đến cuối ngày 7/2, 5.894 người đã thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi 1.932 người chết ở Syria, Guardian đưa tin.
Vào chiều 7/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã thiết lập vùng thảm họa đối với 10 tỉnh ảnh hưởng do trận động đất, và ban bố tình trạng khẩn cấp ở những khu vực này trong 3 tháng.
Quy mô thiệt hại do trận động đất 7,8 độ ở Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 dự kiến còn tăng. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nói rằng số người chết có thể vượt mốc 20.000 người.
Adelheid Marschang, quan chức cấp cao WHO, ước tính khoảng 23 triệu người, bao gồm 1,4 triệu trẻ em, có thể bị ảnh hưởng do trận động đất.
Công tác cứu hộ gặp nhiều thử thách khi quy mô thiệt hại lớn và thời tiết lạnh giá, đe dọa đến những người sống sót đang bị mắc kẹt.
Avril Benoit, Giám đốc của tổ chức Bác sĩ Không Biên giới, nói rằng 500 nhân viên của tổ chức đã có mặt tại Syria và khẩn trương cho các công tác tìm kiếm cứu nạn.
Người dân trú ẩn trong nhà thờ Hồi giáo Ulu ở Diyarbakir, Thổ Nhĩ Kỳ ngày 7/2. Ảnh: Reuters. |
Liên Hợp Quốc cho biết con đường dẫn đến hành lang cứu trợ nhân đạo duy nhất nối Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đã bị hư hại do trận động đất, cản trở nỗ lực cứu trợ.
Thảm họa tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 6/2 được xem là trận động đất mạnh nhất trong hơn 80, cũng như một trong những trận động đất chết chóc nhất tại nước này, theo CNN.
So sánh với các thảm họa động đất trên thế giới trước đây, trận động đất và sóng thần ở Nhật Bản năm 2011 đã khiến hơn 22.000 chết và mất tích.
Trước đó một năm, trận động đất 7.0 độ ở Haiti đã khiến khoảng 220.000-300.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa.
Theo Cục Khảo sát Địa chất Mỹ (USGS), trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận là ở Chile vào năm 1960, với cường độ 9,5.