Theo báo cáo gần đây của Trung tâm nghiên cứu drone, thuộc Đại học Bard ở New York, Mỹ, số lượng các quốc gia có máy bay không người lái (UAV) quân sự đã tăng vọt trong thập niên qua. Gần 100 quốc gia đang vận hành UAV và có các công nghệ để tích hợp vào lực lượng vũ trang của họ, Business Insider cho biết.
Trong năm 2010, khoảng 60 quốc gia có UAV quân sự, nhưng con số này đã tăng lên 95 trong báo cáo của Trung tâm nghiên cứu drone được công bố vào tháng 9. Dan Gettinger, tác giả báo cáo đã xác định 171 loại máy bay không người lái đang hoạt động trên khắp thế giới.
Ít nhất 21.000 UAV đang phục vụ trong quân đội trên khắp thế giới, nhưng con số thực tế có thể cao hơn rất nhiều. Hiện có 200 đơn vị máy bay không người lái quân sự hoạt động tại 58 quốc gia khác nhau.
Số lượng không ngừng tăng
Sự phát triển của công nghệ máy bay không người lái sẽ tiếp tục mạnh, khi các nước như Trung Quốc và một số quốc gia khác đẩy mạnh xuất khẩu máy bay không người lái ra khắp thế giới. UAV sẽ được xuất khẩu theo cả con đường hợp pháp và bất hợp pháp.
Sát thủ lang thang MQ-9 Reaper của Mỹ, loại máy bay không người lái vũ trang được sử dụng nhiều nhất trong các chiến dịch quân sự của Washington. Ảnh: Không quân Mỹ. |
“Tôi nghĩ máy bay không người lái sẽ phổ biến trên chiến trường tương lai. Máy bay không người lái đang làm tiến hóa chiến tranh. Chúng đại diện cho sự gia tăng năng lực chiến đấu, tăng khả năng tiến hành chiến tranh của một số quốc gia”, ông Gettinger nói với Business Insider.
Ông Gettinger nhấn mạnh sự nổi bật của máy bay không người lái trong các sự kiện toàn cầu, đặc biệt là ở những khu vực căng thẳng về địa chính trị ở vịnh Ba Tư, Yemen, Ukraine và một số khu vực khác.
Máy bay không người lái có đủ hình dạng, kích cỡ và mức độ tinh vi. Chúng trở thành công cụ quan trọng cho các quốc gia và tổ chức phiến quân như Taliban ở Afghanistan, Houthi ở Yemen và nhiều nơi khác.
Máy bay tiếp nhiên nhiên liệu không người lái MQ-25 Stingray của Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ. |
Tại Mỹ, chương trình máy bay tiếp nhiên liệu không người lái MQ-25 Stringray hoạt động trên tàu sân bay đã hoàn thành chuyến bay thử nghiệm đầu tiên. MQ-25 dự kiến đưa vào hoạt động từ năm 2024.
Nga cũng đã thử nghiệm máy bay không người lái tàng hình S-70 Okhotnik. Nó được thiết kế để phối hợp với tiêm kích tàng hình Su-57, bước đầu tiên trong việc kết hợp hệ thống có và không có người lái.
Trung Quốc được cho sẽ giới thiệu mẫu máy bay không người lái gián điệp với tốc độ siêu thanh DR-8 và máy bay không người lái tàng hình Sharp Sword trong lễ diễu binh kỷ niệm 70 năm quốc khánh vào ngày 1/10 tới.
Những hiểm họa khó lường
Khi công nghệ máy bay không người lái trở nên phổ biến, chúng đang thay đổi chiến trường một cách nhanh chóng, trong khi phần lớn quân đội trên thế giới chưa kịp thích ứng với sự thay đổi này.
Máy bay không người lái cho phép các lực lượng vũ trang phi chính phủ, tuy không có xe tăng, tiêm kích phản lực, nhưng vẫn có thể thực hiện cuộc tấn công chết người với chi phí thấp. Vụ tấn công bằng drone và tên lửa hành trình vào 2 cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia vào ngày 15/9 là hồi chuông báo động cho sự nguy hiểm của drone.
Mảnh vỡ tên lửa hành trình và drone sau vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Ảnh: AP. |
Vụ tấn công giáng một đòn mạnh vào hệ thống sản xuất dầu mỏ của Saudi Arabia. Hệ thống phòng không trị giá hàng tỷ USD mà nước này đầu tư không được thiết kế để đối phó với một cuộc tấn công như thế.
Arthur Holland Michel, đồng nghiệp của Gettinger tại Trung tâm Nghiên cứu drone, giải thích với Business Insider rằng cuộc tấn công đã hiện thực hóa những lo ngại trước đó trong quân đội và lực lượng thực thi pháp luật về hiểm họa từ máy bay không người lái.
Ông Michel gọi cuộc tấn công là “hồi chuông báo động”, một trong nhiều vụ việc gần đây liên quan đến máy bay không người lái.
Mỹ tin rằng Iran đứng sau vụ tấn công vào cơ sở lọc dầu của Saudi Arabia. Vụ việc diễn ra chỉ 2 tháng sau khi lực lượng phòng không Iran bắn hạ máy bay do thám không người lái RQ-4 của Mỹ trên Vịnh Ba Tư vào tháng 6. Iran phủ nhận cáo buộc vụ tấn công nhà máy dầu của Saudi.
Vụ bắn rơi RQ-4 gần như đã châm ngòi cho cuộc xung đột vũ trang giữa Mỹ và Iran. Tổng thống Donald Trump ra lệnh tấn công đáp trả, nhưng ông đã thu hồi mệnh lệnh vào phút chót do lo ngại thương vong đối với thường dân.
Các quan ngại này nằm ở lập luận rằng việc gây thương vong cho người Iran để trả đũa việc bắn hạ máy bay không người lái là không tương xứng. Điều đó một lần nữa nêu bật những thách thức trong việc đáp trả các cuộc tấn công bằng máy bay không người lái quân sự.
“Mỹ và các quốc gia khác sẽ phải suy nghĩ lại về các hệ thống không người lái của kẻ thù và cách đối phó với chúng, cũng như cách phản ứng trước cuộc tấn công. Máy bay không người lái đang trở thành một phần rất quan trọng của quân đội, Mỹ và các nước cần có khuôn khổ để đối phó với chúng”, ông Gettinger nói.