Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Game trái phép và xuyên biên giới ảnh hưởng đến thị trường VN

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cho rằng doanh nghiệp Việt đang gặp bất lợi trên sân nhà, và những game xuyên biên giới gây ảnh hưởng xấu đến thị trường trong nước.

"Khoảng 90% game online ở Việt Nam nhập từ nước ngoài, chủ yếu là Trung Quốc. Nhiều doanh nghiệp phải chia phần trăm doanh thu rất lớn cho đối tác nước ngoài, dẫn đến tình trạng chúng ta đang đi làm thuê ngay trên sân nhà", ông Lê Quang Tự Do - Phó Cục trưởng Cục Phát thanh Truyền hình và Thông tin Điện tử (PTTH&TTĐT) chia sẻ tại Hội thảo về hoạt động cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử trên mạng năm 2017 diễn ra sáng 28/12 ở TP.HCM. 

Game trai phep va xuyen bien gioi anh 1
Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo phát biểu tại hội thảo.  

Theo ông Tự Do, ngoài cảnh các doanh nghiệp game Việt "làm thuê trên sân nhà", thị trường Việt Nam đang bị ảnh hưởng xấu bởi game không phép và những game xuyên biên giới, có trụ sở ở nước ngoài. "Những doanh nghiệp game xuyên biên giới không đóng thuế. Họ cung cấp game bài bạc, bạo lực, dung tục và không thông qua bất kỳ cổng thanh toán nào trong nước, khiến việc kiểm soát dòng doanh thu gặp khó khăn", lãnh đạo Cục PTTH&TTĐT khẳng định.

Nói về game không phép, ông Tự Do cho biết ngoài game online trên máy tính, trên thị trường đang có sự nở rộ của game trên di động. Bộ TT&TT đã liên lạc với Google và Apple để gỡ bỏ 10 game di động có nhiều biểu hiện vi phạm đang lưu hành trên App Store và Play Store. "Họ rất hợp tác trong việc này. Có khoảng 100 game trên di động vi phạm nhưng chúng tôi không chỉ định gỡ bỏ ngay, mà hôm nay thông báo trước cho các doanh nghiệp để kịp thời điều chỉnh, tránh ảnh hưởng", ông Do nói.

Game trai phep va xuyen bien gioi anh 2
Thượng tá Nguyễn Ngọc Chất, đại diện Cục An ninh mạng, Bộ Công an cho rằng game không phép cũng gây ra những hậu quả khó lường, chẳng hạn như lén cài đặt phần mềm gián điệp, chiếm quyền điều khiển máy tính của người dùng và gây ra những cuộc tấn công mạng ngụy tạo vào nước thứ ba, nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Nêu ra ý kiến tại hội thảo, đại diện nhiều doanh nghiệp game lớn tại Việt Nam đều cho rằng Bộ nên cân nhắc đẩy nhanh hơn quá trình xét duyệt cấp phép game mới, đồng thời siết chặt số lượng giấy phép G1 (trò chơi trực tuyến). Bên cạnh đó, Bộ có thể có cái nhìn thoáng hơn với game bài (hiện đã tạm ngưng cấp phép) vì có thể mang lại nguồn thu lớn cho doanh nghiệp và ngân sách. 

Phản hồi ý kiến từ doanh nghiệp, lãnh đạo cục PTTH&TTĐT cho rằng bản thân các nhà quản lý đã cố gắng đẩy nhanh quá trình cấp phép, nhưng các doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định, nên hầu như trò chơi nào cũng phải sửa lại kịch bản và bổ sung các tiêu chí để cấp phép. Việc cấp phép chậm là nguyên nhân khách quan, đến từ cả hai phía.

Game trai phep va xuyen bien gioi anh 3
Đại diện doanh nghiệp chia sẻ nhiều vướng mắc tại hội thảo.

Nói về thực trạng hiện nay của các doanh nghiệp game tại Việt Nam, ông Phạm Quốc Thắng - Tổng giám đốc CMN Online - cho rằng việc mua game từ nước ngoài đang gặp nhiều khó khăn do đối tác ngày càng hét giá cao, đòi tỷ lệ phần trăm lớn. "Có những sản phẩm trả một triệu đô họ mới nói chuyện tiếp", ông Thắng kể.

Theo đó, khi doanh nghiệp nhập game về, trừ chi phí thuế, vận hành, trả lương thì chỉ còn lại khoảng 15% doanh thu. Nhưng chưa hết, doanh nghiệp trong nước lại cạnh tranh nhau bằng tiền tấn, khiến giá bản quyền ngày càng đội lên. Ông Thắng đề xuất có hiệp hội để các công ty game trong nước tương trợ lẫn nhau.

Trả lời ý kiến của đại diện CMN Online, Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo cho rằng câu chuyện trên rất giống với tranh cãi về bản quyền truyền hình giải Ngoại hạng Anh tại Việt Nam, khi các nhà phân phối trong nước ngồi lại với nhau nhưng không thể giải quyết, dẫn đến việc tranh giá với nhau và làm lợi cho đối tác nước ngoài. Trong khi đó, việc thành lập hiệp hội chưa chắc đã hiệu quả khi bản thân các doanh nghiệp vẫn mang tư tưởng dẫm đạp nhau, không đặt lợi ích chung lên hàng đầu.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Hoàng Vĩnh Bảo khẳng định những giải pháp cần là tập trung tăng nguồn thu cho doanh nghiệp và tạo ra sự công bằng. Doanh nghiệp có thể chủ động phản hồi ngay với Bộ TT&TT những vấn đề vướng mắc chứ không cần chờ đến hội thảo. "Về phía nhà quản lý, Bộ đã cố gắng đơn giản hóa và rút ngắn quy trình nhưng vẫn đảm bảo đúng theo pháp luật. Do đó sẽ không thể đáp ứng yêu cầu duyệt hậu kiểm, hay cho những trò chơi nhỏ lẻ hoạt động thử mà không cần giấy phép".

Game trai phep va xuyen bien gioi anh 4
Doanh nghiệp game Việt Nam đa số nhập game từ Trung Quốc. 

Theo số liệu từ Bộ TT&TT, hiện có 79,16% game online tại Việt Nam đến từ Trung Quốc, 11,8% do các doanh nghiệp trong nước tự phát triển và 9,03% đến từ các nguồn khác. Đã có 102 doanh nghiệp được cấp phép G1.

Flappy Bird bản đặc biệt ra mắt trong duy nhất ngày 9/12

Tại sự kiện dành cho các nhà phát triển game di động diễn ra vào ngày mai, Nguyễn Hà Đông sẽ chính thức mang Flappy Bird trở lại với diện mạo và cách chơi có nhiều đổi mới.

Duy Tín

Bạn có thể quan tâm