Cách đây ít ngày, tại Trường Kinh doanh Standford (Mỹ), Chamath Palihapitiya - nhân sự cấp cao từng làm việc tại Facebook - gây chú ý khi khuyên mọi người từ bỏ mạng xã hội để sống tốt hơn.
"Tôi nghĩ chúng tôi đã tạo ra những công cụ gây chia rẽ xã hội", Chamath nói trong tiếc nuối. "Không trao đổi dân sự, không hợp tác, nhiều thông tin sai lệch và giả dối" là những từ Chamath dùng để miêu tả về Facebook. Ông cho rằng những dạng tương tác nhanh qua mạng như "thả tim", "like"... đang góp phần thay đổi cách xã hội vận hành.
Chamath Palihapitiya gia nhập Facebook năm 2007 và từng là Phó chủ tịch phát triển người dùng của mạng xã hội này. Ảnh: Getty. |
Chamath Palihapitiya không chỉ nói đến Facebook, mà hướng đến tất cả những dịch vụ được coi là mạng xã hội. Ông lấy dẫn chứng về một sự việc xảy ra tại Ấn Độ, khi có đến 7 người vô tội bị xử tử tại chỗ chỉ vì những tin đồn nhảm về các vụ bắt cóc được chia sẻ trên WhatsApp.
"Hãy tưởng tượng những tên kịch sỹ có thể lòe bịp người khác trên mạng xã hội, dắt mũi đám đông và làm bất cứ điều gì. Đó thực sự là một viễn cảnh tồi tệ", sếp cũ của Facebook nhấn mạnh. "Tôi không bao giờ cho lũ trẻ sử dụng", Chamath tiết lộ ông cấm các con mình vào Facebook, trong khi bản thân rất hạn chế sử dụng nó.
Ngoài việc lên án Facebook ảnh hưởng xấu đến xã hội, Chamath còn cho rằng công ty này đang đổ tiền đầu tư vào những doanh nghiệp "ngu xuẩn và vô dụng", thay vì giải quyết các vấn đề thực tế như biến đổi khí hậu và các bệnh nan y.
Những bình luận của Chamath Palihapitiya lập tức khiến báo chí Mỹ dậy sóng và lan sang cả các nước khác. Câu nói của ông được in trên trang nhất tờ Daily Mail của Anh.
Chamath Palihapitiya gia nhập Facebook năm 2007 và từng là Phó chủ tịch phát triển người dùng của mạng xã hội này. Hiện ông đang điều hành Social Capital, một công ty đứng sau các dự án về sức khỏe và giáo dục.
Ngoài Chamath, nhiều người cũ khác của Facebook cũng tỏ ra bất bình với mạng xã hội này. Sean Parker - người có ảnh hưởng rất lớn với Facebook trong những năm tháng mới thành lập - cho rằng mạng xã hội này đã "khai thác điểm yếu dễ tổn thương trong tâm lý con người".
Antonio Garcia-Martinez - một cựu quản lý sản phẩm tại Facebook - cũng tố Facebook nói dối về khả năng gây ảnh hưởng của mạng xã hội này với người dùng trên những dữ liệu thu thập được.
Vấp phải những chỉ trích từ người cũ, Facebook ngay lập tức lên tiếng phản hồi. "Chamath đã nghỉ làm ở Facebook 6 năm rồi", một phát ngôn viên của mạng xã hội này nói với The Verge. "Khi Chamath ở Facebook, chúng tôi đã tập trung xây dựng các trải nghiệm truyền thông xã hội mới và phát triển Faccbook khắp thế giới. Facebook từng là một công ty rất khác biệt và khi chúng tôi phát triển, chúng tôi nhận thức rõ trách nhiệm của mình".
Dù luôn nói những "lời hay lẽ phải", có một thực tế là Facebook vẫn bất lực với nạn tin tức giả mạo trên mạng xã hội này. Facebook cũng bị tố là nguyên nhân gây sai lệch kết quả bầu cử Mỹ và có liên quan đến những vụ "thanh lọc sắc tộc" và bạo loạn gần đây ở Myanmar.