Sự bùng nổ game show trên sóng truyền hình đưa tới những món ăn mới lạ cho khán giả nhưng độ phủ sóng ồ ạt dường như đang góp phần làm đảo lộn các giá trị nghệ thuật.
NSƯT Hữu Châu mới đây đã thể hiện sự bức xúc khi nói về các game show diễn xuất: “Khi xem các game show về diễn xuất tôi thấy người chơi không diễn mà đang giỡn mặt với khán giả truyền hình”.
Anh cho rằng thà xem chương trình thế giới động vật còn hơn xem game show. Cũng đồng quan điểm đó, NSƯT Thành Lộc cho biết anh và những người sống bằng ngọn lửa nghệ thuật bị tổn thương vì đúng - sai, thật - giả bị đảo lộn.
Thoát khỏi vòng xoáy game show không phải ai cũng làm được bởi "cơm áo gạo tiền". Nghệ sĩ nói không với game show đa số là những tên tuổi kỳ cựu như NSƯT Hữu Châu, NSƯT Thành Lộc, Ái Như, NSƯT Thành Hội… Với họ, sân khấu là thánh đường và có những chuẩn mực khắt khe. Họ chấp nhận cuộc sống đạm bạc hơn, ít màu mè, hào nhoáng để giữ giá trị mình tôn thờ.
Nhận định của NSƯT Hữu Châu có thể gây tranh cãi (ở một mặt nào đó), nhưng phát ngôn ấy như dội một gáo nước lạnh vào những ồn ào, hào nhoáng đang ngày ngày làm mưa làm gió trên truyền hình.
Game show hài bùng nổ về số lượng nhưng không đi cùng với chất lượng. Ảnh: BTC. |
Mang chuyện đời tư để chọc cười khán giả
Sự phát triển và bùng nổ của các game show hài đồng nghĩa với chất lượng giảm, nội dung đi vào lối mòn. Thay vì sáng tạo và khai thác kịch bản chặt chẽ lại là sự tung hứng ngẫu nhiên của diễn viên.
Hiểu biết và tài năng của con người có hạn. Dù là danh hài, dù đa năng đến mấy cũng không đủ sức biến hóa, sáng tạo với tốc độ làm việc chóng mặt. Vì vậy khán giả dễ nhận thấy sự lặp lại, mảng miếng, cách nói quen thuộc của diễn viên ở nhiều chương trình khác nhau.
Cạn kiệt mảng miếng nên gần đây, khán giả còn bắt gặp nghệ sĩ thường đem chuyện riêng tư, vẻ bề ngoài của nhau để chọc cười. Trong những chương trình như Siêu bất ngờ, Ơn giời, cậu đây rồi, Thách thức danh hài… người xem không xa lạ với việc Trường Giang đưa Hari Won, Mai Hồ ra đùa bỡn Trấn Thành. Ngược lại, Trấn Thành đưa tên Nhã Phương để trêu trọc đồng nghiệp.
Là diễn viên hài, từng tham gia game show hài nhưng chính La Thành cũng không chấp nhận cách diễn này: “Đưa chuyện riêng tư, đem người yêu ra nói, đưa giám khảo ra chọc mà không liên quan đến câu chuyện không phải là diễn hài. Cái đó giỡn mặt đấy".
"Những cái đó một lần là vui, nhưng đến lần thứ 2-3 là không tôn trọng nghề của mình. Làm như thế chẳng khác nào không biết diễn nên đem chuyện đời tư ra cho khán giả cười”, anh nhấn mạnh.
Trường Giang chọc Hari Won và Mai Hồ trên sân khấu. Ảnh: BTC. |
Nghệ sĩ hài Chí Tài thừa nhận: “Một số nghệ sĩ trẻ chưa biết cách kiềm chế bản thân nên đôi khi đứng trước ống kính mà tưởng đang trong một buổi tập. Điều này gây phản cảm cho người xem. Tuy nhiên trường hợp này không nhiều”.
Anh cho rằng: “Chương trình hài đang được sản xuất nhiều quá nên nội dung bị bế tắc. Chương trình nào mở lên cũng có bấy nhiêu gương mặt dự thi. Nhà sản xuất lại chỉ muốn mời ngôi sao. Họ xuất hiện nhiều thì cũng không tránh khỏi trùng lặp".
"Nghệ sĩ cũng như bất kỳ ai, não có bấy nhiêu thôi, nếu tận dụng nhiều quá thì đâu còn chất xám để sáng tạo. Vì vậy, diễn viên không thể quay 10 số thì 10 số đều hay. Ngay cả bản thân tôi cũng thế, có cái dở, cái hay. Hơn nữa, nghệ sĩ đâu chỉ quay game show, họ còn đi trình diễn, sân khấu, quay phim...”, Chí Tài nói.
Diễn hài mà như tạp kỹ
Trước đây đạo diễn Lê Quốc Nam từng nhận định: “Hài kịch không phải đi lên mà thực ra là ánh lửa tàn còn le lói”. Quan điểm này tưởng như mâu thuẫn trong thời điểm hài đang lên ngôi, danh hài nhận cát-xê ngất ngưởng, công phá mọi mặt trận nghệ thuật từ sân khấu, truyền hình, điện ảnh. Với người trong nghề, họ nhìn rõ những bước thụt lùi nghề nghiệp qua các game show hài, tiểu phẩm hài.
Không thể có sự phát triển khi nội dung, mảng miếng của các chương trình hài đi vào lối mòn. “Hài cũng phải có cốt truyện rõ ràng chứ không phải ào ào, hoành tráng bên ngoài. Không phải cứ đưa cả đống người lên sân khấu, bắn pháo bông, thổi lửa và làm trò là gây cười. Cái đó gọi là tạp kỹ”, La Thành cho hay.
Anh cũng hoang mang với nhận định về hài hiện nay: “Tôi không hiểu tiêu chí thế nào mới là hài hay. Khi tôi làm một tiểu phẩm chuyên vào nội dung và diễn xuất thì bị cho là khô cứng. Còn thực hiện một tiết mục hoành tráng với bắn pháo bông, thổi lửa thì được cho là đầu tư nghiêm túc, giám khảo khen hay, vui quá”.
La Thành và Anh Đức trong một tiểu phẩm hài. Ảnh: BTC. |
La Thành không ngại khẳng định anh tham gia game show chỉ vì mưu sinh, kiếm tiền.
Bạn diễn thân thiết của Trấn Thành là Anh Đức cũng không nhìn thấy sự sáng tạo của hài kịch hiện nay. Vì vậy anh từ chối tham gia thi các game show hài. Anh chỉ nhận lời hỗ trợ các bạn diễn hoặc làm MC.
“Tôi không tham gia game show thi thố về hài vì những bất cập. Tôi thấy một số nhà sản xuất chưa hiểu thế nào về hài mà chạy theo thị hiếu của số đông. Hài bây giờ đa số xào nấu lại những cái cũ nhưng thể hiện vẻ bên ngoài hoành tráng như vũ đoàn, đem lửa trên sân khấu”.
Lâu nay, mọi người vẫn cho rằng game show là bệ phóng tên tuổi hữu hiệu đối với nghệ sĩ trẻ. Thực tế đây chỉ là kiểu nổi tiếng bọt xà phòng. Con đường trở thành diễn viên thực sự theo NSƯT Hữu Châu cực khổ vô cùng.
La Thành khẳng định: "Qua một game show với mười mấy số phát sóng không thể trở thành diễn viên được. Khi được tung hô quá người ta giống như một trái cây bị ép chín. Họ chỉ làm được vài năm thôi, sau đó không thể theo được vì lực diễn không có, sự trường sức, trường vốn không có".