4 năm trở lại đây, truyền hình thực tế bùng nổ ở Việt Nam với hàng loạt game show hài, cuộc thi âm nhạc, tìm kiếm tài năng… Sự phát triển như vũ bão dẫn đến bão hòa, nhàm chán là điều tất yếu của xu hướng. Nhưng bất chấp sự ngao ngán của người xem, năm 2017, khán giả sẽ tiếp tục chứng kiến những cuộc đổ bộ rầm rộ của các chương trình mới xuất hiện.
Trước “cơn bão” truyền hình hiện nay, NSƯT Hữu Châu vẫn đứng bên lề cuộc chơi vì tự nhận mình không phù hợp với thị hiếu này. Nghệ sĩ gạo cội của kịch nói thẳng thắn phát biểu ý kiến của anh trước sự “lũng đoạn” của game show truyền hình. Anh cho rằng nghệ sĩ đang giỡn mặt với khán giả vì xuất hiện trong chương trình nhưng lại không bộc lộ khả năng diễn xuất, và rằng "Thà xem thế giới động vật còn hơn xem game show".
Lòng tự trọng của những nghệ sĩ không cho phép họ xuất hiện liên tục, dày đặc trên sóng truyền hình. Sau một vài chương trình, đã có không ít người chủ động rút khỏi game show, tập trung đóng phim hoặc diễn sân khấu.
Lấy nỗi đau, sợ hãi làm tiếng cười giải trí
Những game show hiện giống nhau về nội dung, bị khán giả phàn nàn nên một số nhà sản xuất nỗ lực tìm kiếm sự mới mẻ nhằm thu hút người xem. Tuy nhiên, trong nỗ lực làm mới, đã có không ít chương trình bị tẩy chay, gây hoang mang vì sự phản cảm.
Năm 2014, nhà sản xuất BHD mua bản quyền để Việt hóa chương trình Đố ai hát được. Khách mời được đặt trong tình huống treo mình trên cao, từ từ bị thả vào một bồn nước chứa đầy rắn rết, trăn, cóc, nước đá… nhưng vẫn buộc phải hát đến hết bài.
Người chơi ban đầu muốn tìm cảm giác mạnh với những thử thách rèn luyện bản lĩnh ở cuộc chơi. Song, khi bắt đầu, có không ít người muốn bỏ cuộc vì thách thức quá “dã man”.
Các ca sĩ từ nam đến nữ đều khóc thét, cố vùng vẫy để thoát khỏi những con vật đáng sợ. Trong khi đó, bộ ba giám khảo liên tục thích thú, vỗ tay khen ngợi tinh thần dũng cảm của người chơi và cười sảng khoái trên nỗi sợ hãi của họ.
MiA khóc thét khi MC Anh Khoa đứng ngoài trêu chọc. |
Người xem cũng quá đỗi bàng hoàng khi phải chứng kiến những trò hành hạ kinh dị. Nhiều người phải chuyển kênh vì không phù hợp với đối tượng trẻ em.
Điều này đã khiến dư luận bất bình vì game show dù mang tính giải trí nhưng kết quả lại trái ngược với tiêu chí, mang tính tra tấn tinh thần của người chơi, tạo ra sự phản cảm với khán giả truyền hình. Sau 10 tập phát sóng vào khung giờ vàng trên VTV3, Đố ai hát được nhận nhiều chỉ trích từ dư luận, chương trình tạm ngừng một thời gian và chuyển sang phát sóng trên kênh HTV7.
Năm 2016, VTV3 tiếp tục hợp tác để phát sóng game show Ánh sáng hay bóng tối được mua bản quyền từ Đức, kết hợp giữa đấu trí và vận động. Hai người chơi sẽ trả lời 10 câu hỏi ở nhiều lĩnh vực để thử thách tài trí của họ.
Nếu không tự tin trong phần thi này, họ sẽ được Nữ hoàng bóng tối Lê Khánh đưa ra thử thách để vượt qua. Tuy nhiên, điều khiến người xem phàn nàn là ở phần thi vận động, những yêu cầu đưa ra không có tính thẩm mỹ, nếu không muốn nói phản cảm.
Ví như khách mời phải cắn bể bong bóng chứa đầy màu sắc khiến cơ thể lấm lem hay đập trứng gà sống lên đầu và mặt…
Người xem không hài lòng vì những chiêu trò hành hạ khách mời. |
Game show Cười là thua cũng từng bị la ó vì sự phản cảm của nghệ sĩ hài. Người chơi phải chọc cười những khán giả có mặt tại trường quay bằng bất kỳ chiêu thức nào để thắng cuộc. Nhưng, bi hài ở chỗ diễn viên lại “cù lét” bằng hình thể, những câu nói vô nghĩa thậm chí là hành động quá lố thay vì chọc cười bằng tiểu phẩm. Thúy Nga, Hiếu Hiền… từng bị phê phán vì vận dụng những trò phản cảm để chiến thắng.
Từng gây sốt mùa đầu tiên nhưng hiện nay Thách thức danh hài đang dần nhàm chán vì những tiếng cười nhạt nhẽo. Nhiều người ngạc nhiên vì sao Trấn Thành, Trường Giang lại dễ dàng ban phát tiếng cười trong các tình huống vô vị và thí sinh không quá khó khăn để kiếm tiền như thế.
Vì sao nghệ sĩ chấp nhận mua vui trên sóng truyền hình?
Trước những làn sóng phản đối sự phản cảm của các game show, có nhiều ý kiến cho rằng, các khách mời phải đồng ý thì chương trình mới được sản xuất. Điều này phản ánh thực tế của giới nghệ sĩ khi họ buộc phải chạy theo nhu cầu “cơm áo gạo tiền”.
Khi hài truyền hình bùng nổ, sân khấu "giãy giụa", diễn viên kịch mất kế sinh nhai nên buộc phải chuyển sang đóng phim, tham gia game show để kiếm sống. Thực tế, có không ít người thất nghiệp, phải bỏ nghề và số còn lại đành chấp nhận thỏa hiệp để bám trụ.
Nhờ truyền hình thực tế, hàng loạt nghệ sĩ dù đã tham gia showbiz từ lâu nhưng giờ mới có cơ hội vụt sáng như Khởi My, Thanh Duy, Giang Hồng Ngọc, Bùi Anh Tuấn…
Giám khảo Thu Minh sợ hãi bỏ chạy khỏi ghế giám khảo vì các thử thách của chương trình Đố ai hát được. |
Bên cạnh đó, việc tham gia game show cũng là dịp để nghệ sĩ trẻ có cơ hội tiếp cận khán giả đại chúng. Từ sân chơi này, có khá nhiều gương mặt mới thành danh như Uyên Linh, Hoài Lâm, Huỳnh Lập, Đức Phúc, Hương Tràm…
Tuy nhiên, điều này cũng dễ thành “con dao 2 lưỡi” khi nghệ sĩ ào ạt tham gia game show, bất chấp nội dung kịch bản. Đã có câu hỏi đặt ra, không biết liệu nghệ sĩ nhận được bao nhiêu cát-xê khi hình ảnh không đẹp được phát sóng trên truyền hình cả nước, khi bị mua vui bởi những chiêu trò thiếu tính thẩm mỹ như thế?
Nhìn hình ảnh MiA khóc lóc thảm thiết khi tham gia Đố ai hát được cùng Pha Lê, khán giả không khỏi ái ngại . Đại diện BHD cũng khẳng định những con vật trong chương trình vốn vô hại và so với bản gốc, các thử thách mạnh cũng đã giảm. Dù vậy, điều này vẫn không giúp game show “sạch” lên trong mắt khán giả.
Sau lần ngồi ghế nóng của game show Đố ai hát được, Thái Hòa gần như từ chối các chương trình khác. Anh tự nhận mình không thích hợp làm giám khảo, đặc biệt những game show trái với chuyên môn của mình. NSƯT Đức Hải cũng không còn mặn mà và bận rộn với việc kinh doanh nên từ chối nhận lời làm giám khảo.
Mới đây, anh cùng đồng nghiệp thân thiết như NSND Hồng Vân, Minh Nhí và Thanh Thủy nhận lời show Tiếu lâm tứ trụ với mong muốn giúp các gương mặt trẻ tiếp cận với lối hài sạch, thay vì dễ dãi như hiện nay trên truyền hình.