Samsung có chính sách bán hàng toàn cầu. Theo đó, bộ đôi Galaxy S6, S6 Edge lên kệ gần như cùng thời điểm tại tất cả các thị trường (ngày 10/4). Ở thời điểm đó, thị trường máy xách tay tại Việt Nam gần như im ắng hoàn toàn.
Tuy nhiên, mọi chuyện thay đổi sau khoảng một tháng. Những ngày gần đây, Samsung Galaxy S6, S6 Edge xách tay ồ ạt về nước với giá hấp dẫn. Chẳng hạn, Galaxy S6 32 GB có giá khoảng hơn 13 triệu đồng, thấp hơn 3 triệu so với máy chính hãng. S6 Edge xách tay thậm chí thấp hơn đến 5 triệu đồng (15 so với 20 triệu đồng).
Giá bán Galaxy S6, E6 Edge xách tay tại một cửa hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội). |
Anh Minh Đức - dân buôn điện thoại xách tay tại Thái Hà (Hà Nội) - cho hay, Galaxy S6, S6 Edge xách tay về nước chậm do khan hàng tại một số thị trường như Hàn Quốc, Nhật Bản. Giai đoạn đầu, các chủ hàng khó nhập máy với giá tốt. Gần đây, nguồn cung phong phú hơn, giá cũng giảm xuống nên máy về nước nhiều.
Theo anh này, sức mua của Galaxy S6, S6 Edge khá tốt, đặc biệt là bản S6 Edge. Điều này dễ hiểu bởi S6 Edge có mức chênh lớn so với máy chính hãng. Ngoài ra, xu hướng chung người dùng trong nước thích bản Edge màn hình cong hơn so với bản S6 tiêu chuẩn.
Việc Galaxy S6, S6 Edge xách tay ồ ạt về nước, lại có giá tốt khiến các đại lý bán máy chính hãng có sự thay đổi. Thực hiện cam kết với hãng, các đại lý lớn không được phép bán máy dưới giá niêm yết (Samsung là một trong những nhà sản xuất có chính sách giá chặt chẽ nhất). Tuy nhiên, một số hệ thống bán lẻ chọn cách “lách luật” bằng khuyến mại lớn, thậm chí tặng tiền mặt lên đến cả triệu đồng cho khách.
Đại lý chọn cách giữ nguyên giá niêm yết nhưng tặng tiền mặt cho khách mua S6, S6 Edge. |
Một số đại lý nhỏ chịu ít ràng buộc hơn thì cho giảm giá S6, S6 Edge cả triệu đồng để cạnh tranh với máy xách tay. Khảo sát tại một số đơn vị kinh doanh, Galaxy S6 chính hãng hiện có giá khoảng 15 triệu đồng (thấp hơn 1,6 triệu so với giá niêm yết), trong khi S6 Edge phổ biến ở mức 18 triệu đồng (thấp hơn 2 triệu).
Hiện tượng loạn giá smartphone cao cấp tại Việt Nam không mới. Không riêng sản phẩm của Samsung, những thương hiệu khác như iPhone của Apple, smartphone HTC, đặc biệt Sony đều gặp phải tình trạng tương tự.
Bản thân hãng sản xuất cũng không thống nhất về cách quản lý giá sản phẩm. Nhiều hãng áp dụng chính sách giá nghiêm ngặt với các đại lý lớn nhưng không thể quản lý hết các đơn vị nhỏ lẻ. Một số khác chọn cách nới lỏng chính sách về giá hơn do áp lực về doanh số.
Các đại lý lớn không ít lần tỏ ra bức xúc về chính sách chào giá vô tội vạ của đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ. Tuy nhiên, bản thân họ nhiều khi cũng liên tục giảm giá máy nhằm xả hàng hoặc trước các dịp tổng kết doanh số.