“Dự án Xây dựng lại thế giới tốt đẹp hơn (B3W) sẽ xúc tiến hàng trăm tỷ USD tiền đầu tư cơ sở hạ tầng cho các nước thu nhập thấp và trung bình trong những năm tới”, Nhà Trắng ngày 12/6 cho biết, theo AFP.
Theo Nhà Trắng, B3W được chấp thuận sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và các nhà lãnh đạo G7 hội đàm để trao đổi về “cạnh tranh chiến lược với Trung Quốc và cam kết có hành động thực tiễn nhằm giúp đáp ứng nhu cầu hạ tầng khổng lồ tại các nước có thu nhập thấp và trung bình”.
B3W được tạo ra nhằm mục đích đối trọng sáng kiến Vành đai, Con đường (BRI) được khởi động từ 2013 để mở rộng ảnh hưởng kinh tế - chính trị của Trung Quốc.
Hàng loạt dự án đầu tư và phát triển cơ sở hạ tầng đã được thực hiện ở nhiều quốc gia từ châu Á, châu Âu tới châu Phi trong khuôn khổ BRI. Việc Italy, một thành viên G7, tham gia vào BRI đã khiến Washington và nhiều nước trong Liên minh châu Âu (EU) tức giận.
Theo dịch vụ dữ liệu Revfinitiv, tới giữa năm 2020, hơn 2.600 dự án có liên hệ với sáng kiến Vành đai, Con đường, tổng giá trị khoảng 3.700 tỷ USD.
Sri Lanka bị cho là mất quyền quản lý hải cảng Hambantota vào tay Trung Quốc trong 99 năm. Ảnh: The National. |
Nhiều người chỉ trích Trung Quốc dùng đòn bẩy tài chính xuất phát từ BRI để tăng cường ảnh hưởng bằng “ngoại giao bẫy nợ”. Trung Quốc phủ nhận cáo buộc này.
Nhà Trắng cho biết sáng kiến G7 sẽ có quy mô toàn cầu tương tự như BRI. Các quốc gia đang phát triển ước tính sẽ cần hơn 40.000 tỷ USD vào đầu tư cơ sở hạ tầng.
Công tác tài trợ của BRI sẽ nhấn mạnh các yếu tố về môi trường, khí hậu, bảo hộ lao động, minh bạch, và chống tham nhũng, trái ngược với cách làm thiếu minh bạch của Trung Quốc, Nhà Trắng bổ sung.
Nhà Trắng còn cho hay các chi tiết cụ thể sẽ được cung cấp trong tuyên bố chung được công bố khi Hội nghị Thượng đỉnh G7 kết thúc vào ngày 13/6.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 là sự kiện nhóm họp thường niên quy tụ các nền công nghiệp hàng đầu thế giới. Năm nay, sự kiện diễn ra từ 11/6 đến 13/6 tại Cornwall, Anh.