Theo kế hoạch này, G7 sẽ nghiên cứu việc kiềm chế giá năng lượng với các đối tác trên thế giới, bao gồm cả khả năng áp đặt giá trần tạm thời với năng lượng - bao gồm cả dầu và khí đốt - nhập khẩu. Politico cho biết thỏa thuận đạt được vào sáng 28/6.
Kể từ sau khi Nga phát động “chiến dịch quân sự đặc biệt” tại Ukraine hôm 24/2, các nước phương Tây - bao gồm các thành viên G7 - đã áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Moscow, bao gồm ngành công nghiệp dầu và khí đốt.
Các nước G7 tính áp đặt giá trần dầu khí để làm giảm doanh thu của Nga. Ảnh: Reuters. |
Dù vậy, các biện pháp này góp phần khiến giá năng lượng tăng cao - điều có lợi cho nước xuất khẩu dầu mỏ như Nga. Theo số liệu của Tổ chức Năng lượng Thế giới (IEA), doanh thu đến từ dầu khí của Nga gia tăng trong tháng 5, dù sản lượng xuất khẩu sụt giảm.
Để áp đặt thành công giá trần, G7 dự định vận dụng sức mạnh thị trường trong các lĩnh vực tài chính, bảo hiểm và vận chuyển. Nếu một đơn vị chuyên chở hay nhập khẩu muốn sử dụng các dịch vụ trên, họ sẽ phải cam kết rằng dầu của Nga chỉ được bán với mức giá tối đa nhất định.
Về phần mình, hôm 27/6, trong bài phát biểu trực tuyến được gửi tới các nhà lãnh đạo G7, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cũng kêu gọi những nền kinh tế phát triển hàng đầu thế giới siết chặt hơn nữa sự kiềm chế đối với Moscow bằng cách giới hạn giá dầu xuất khẩu.
“Đối với chúng tôi, lập trường nhất quán của các nước G7 về lệnh trừng phạt Nga là rất quan trọng. Quý vị cần tăng cường trừng phạt hơn nữa, bằng cách giới hạn giá dầu xuất khẩu”, ông Zelensky nói, theo AFP.