Ngày 5/6, bộ trưởng tài chính của các nước thuộc nhóm G7 đồng ý áp mức thuế tối thiểu toàn cầu để buộc các tập đoàn đa quốc gia trả ít nhất 15% thuế tại mỗi nơi mà tập đoàn ấy có hoạt động kinh doanh, Guardian dẫn lời Bộ trưởng Tài chính Anh Rishi Sunak.
“Những quy định cải cách thuế to lớn này là điều mà Anh vẫn luôn ủng hộ và đồng thời là phần thưởng lớn cho người đóng thuế ở Anh. Nó tạo ra hệ thống thuế công bằng hơn, phù hợp với thế kỷ 21”, ông Sunak nói.
G7 là nhóm các quốc gia giàu có thế giới bao gồm Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản, Anh và Mỹ. Lãnh đạo các nước thành viên và đại diện của Liên minh châu Âu sẽ gặp thường niên tại Hội nghị Thượng đỉnh G7.
Thỏa thuận vừa được ký tại thủ đô London, Anh nhằm đối phó tình trạng một số tập đoàn đa quốc gia trong quá khứ gieo rắc bất đồng giữa các nước với nhau để nhằm giảm mức thuế phải đóng.
Đại diện các nước G7 gặp nhau trực tiếp lần đầu tiên trong hai năm vào ngày 4/5 tại London, Anh. Ảnh: Getty. |
Với người chủ trì là bộ trưởng tài chính Anh, cuộc họp thượng đỉnh giữa các bộ trưởng sẽ cung cấp thêm chi tiết về kế hoạch bắt các công ty lớn nhất thế giới phải trả thêm thuế ở mỗi nơi đặt hoạt động kinh doanh và nơi đặt trụ sở.
Các tập đoàn điện tử như Amazon, Google, và Facebook - những công ty kinh doanh tại nhiều quốc gia trên thế giới nhưng chỉ báo cáo mức lợi nhuận tương đối thấp ở các nước này - cũng là đối tượng của thỏa thuận trên.
Các nhà lãnh đạo G7 hy vọng thỏa thuận này vào cuối năm nay sẽ nhận được sự ủng hộ của nhóm G20 - gồm các nước như Trung Quốc, Nga, Nam Phi, và Arab Saudi.
Hơn 130 quốc gia cũng đang tham gia quá trình đàm phán tương tự để hướng tới một khung thuế toàn cầu. Đây là một phần trong thỏa thuận do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) xúc tiến. Thỏa thuận của OECD được cho là sẽ theo chân của nhóm G7 tại các cuộc hội đàm vào tháng 10.
Các tổ chức từ thiện viện trợ cho rằng các đời chính phủ Anh đã cho phép tập đoàn trốn trả thuế trong thời gian quá lâu. Điều này khiến Bộ Tài chính Anh không có ngân sách cần thiết để đối phó các khủng hoảng y tế như đại dịch Covid-19.
Con đường hướng tới thỏa thuận vẫn còn rào cản, đặc biệt là ở Mỹ vì tại đây, thỏa thuận này cần được lưỡng viện của quốc hội Mỹ đồng thuận.
Tuy nhiên, liên minh các thành viên đảng Cộng hòa và Dân chủ Mỹ có thể bắt tay chấp nhận thỏa thuận trên do bực tức trước cách cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị Facebook và Twitter đối xử, Maurice Obstfeld - viện sĩ cao cấp tại Viện Peterson về Kinh tế Quốc tế - nhận định.