Theo Reuters, bộ trưởng tài chính các nước thuộc nhóm G20 hôm 7/6 đã nhất trí sẽ tiến tới xây dựng bộ quy tắc chung nhằm ngăn chặn các công ty, chủ yếu là các tập đoàn công nghệ lớn, trốn thuế hoặc chuyển lợi nhuận sang các thiên đường thuế để giảm nghĩa vụ tài chính.
"Có vẻ như chúng ta đã đạt được đồng thuận. Việc cần làm bây giờ là biến sự đồng thuận tại đây thành các biện pháp kỹ thuật và tạo ra một thỏa thuận", Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin nói.
Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin phát biểu tại G20. Ảnh: Reuters. |
Các cuộc thảo luận của G20 về thay đổi các quy định thuế tập trung vào hai trụ cột, theo đó có thể khiến các công ty công nghệ phải đóng gấp đôi số thuế hiện tại.
Trụ cột thứ nhất là phân chia quyền đánh thuế cho các quốc gia nơi hàng hóa, dịch vụ được chào bán cho người sử dụng, dù các công ty không có hiện diện thương mại tại quốc gia này.
Trong trường hợp các công ty vẫn có thể tìm cách chuyển lợi nhuận ra các thiên đường thuế nước ngoài, trụ cột thứ hai cho phép các quốc gia áp dụng mức thuế tối thiểu toàn cầu để buộc các công ty thực hiện nghĩa vụ tài chính.
Biện pháp mới nhằm cải cách hệ thống thuế doanh nghiệp của G20 được cho là nhắm vào các công ty công nghệ, với lợi nhuận tập trung vào cung cấp dịch vụ, thu thập và trao đổi dữ liệu điện tử xuyên biên giới.
Các nước châu Âu, đặc biệt Anh và Pháp, ủng hộ mạnh mẽ kế hoạch này khi cho rằng "thuế điện tử" là cần thiết bởi luật thuế doanh nghiệp truyền thống nay đã lỗi thời và tạo ra sự bất bình đẳng. Tại châu Âu, các công ty công nghệ sử dụng những thiên đường thuế như Ireland và Luxembourg để giảm mức đóng thuế doanh nghiệp của mình.
Các công ty công nghệ như Google, Facebook, Amazon bị chỉ trích do chuyển lợi nhuận tới các thiên đường thuế để giảm nghĩa vụ tài chính. Ảnh: Reuters. |
"Chúng ta không thể giải thích với người dân vì sao họ phải đóng thuế, trong khi các công ty lớn thì không, bởi họ chuyển lợi nhuận sang vùng lãnh thổ nơi có mức thuế nhẹ nhàng hơn", Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire nói.
Quan chức các nước G20 dự kiến sẽ nhóm họp một lần nữa trong năm 2019 để thảo luận chi tiết hơn, trước khi đi đến một thỏa thuận trong năm 2020. Trước đó, nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ đã nhất trí một lộ trình nhằm khắc phục các hạn chế của quy tắc thuế quốc tế, từ lâu đã trở nên lỗi thời bởi sự phát triển vũ bão của thương mại điện tử.