Cầu thủ đầu tiên có bàn thắng nhờ Goal-line là tuyển thủ người Pháp, Karim Benzema. Ở phút thứ 48 của trận đấu giữa Pháp và Honduras, Benzema đã tung ra một cú vô lê chân trái, bóng chạm cột dọc rồi bật ra, tuy nhiên thủ môn Valladares đã phạm sai lầm chết người khi lóng ngóng để bóng đi qua vạch vôi và bàn thắng được tính cho đội tuyển Pháp.
Xem đến đấy, chợt tôi chạnh lòng nghĩ về mùa hè Nam Phi năm ấy, về một bàn thắng tương tự như của Benzema hôm nay, về Frank Lampard, người đã đưa tôi đến với tình yêu trái bóng tròn.
Công nghệ Goal-line, niềm vui Benzema và nỗi buồn Lampard. |
4 năm về trước, trong trận đấu giữa Đức và Anh ở vòng 16 đội, Frank Lampard, khi ấy còn là cái tên khá xa lạ với tôi, con bé 14 tuổi mới biết tập tành coi bóng, hình như cũng ở phút 48 đã thực hiện dứt điểm từ xa, mà sau này tôi mới biết đó là những cú sút mang thương hiệu Lampard, bóng dập trúng xà ngang, dội xuống đất và đã đi qua vạch vôi khung thành của Neuer, một bàn thắng hoàn toàn hợp lệ. Một giây sau khi ghi “bàn thắng ma” ấy, anh, Lampard đã nhảy lên ăn mừng, nhưng cũng chỉ vài giây sau, niềm vui tức khắc được thay thế bởi vẻ mặt thẫn thờ vì bàn thắng đã bị đánh cắp.
Khi ấy, đội tuyển Anh đang bị dẫn trước 2-1, và đáng ra bàn thắng của Lampard sẽ là bàn thắng gỡ hòa, đáng ra tuyển Anh có thể lội ngược dòng và đi tiếp, đáng ra tuyển Anh sẽ không đại bại 4-1 trước cỗ xe tăng Đức…
Vẻ thẫn thờ trên gương mặt Lampard khi anh bị tước mất một bàn thắng hợp lệ trên đất Nam Phi. |
Đã 4 năm qua, con bé 14 khi xưa giờ đã ở ngưỡng 18, vẫn còn nhớ như in trận đấu ấy, tình huống ấy và cả ánh mắt của chàng tiền vệ người Anh ấy. Sau World Cup, tôi đã dõi theo anh từng trận đấu, tôi tìm đọc rất nhiều thông tin về anh, và từ lúc nào đó, tôi không biết, tôi đã yêu anh mất rồi. Anh đã rất thành công ở Chelsea, cùng với 211 bàn thắng và vô số những danh hiệu cao quý, anh đã trở thành một tượng đài bất tử ở Stamford Bridge. Vậy mà, sự nghiệp quốc tế của anh sao lại toàn những câu chuyện buồn thế, hả Lampard?
World Cup 2002, khi đang căng tràn nhiệt huyết và khát vọng cống hiến của tuổi trẻ, anh lại chỉ có thể ngồi nhìn đồng đội thi đấu. Đến 4 năm sau, trên sân cỏ nước Đức một ông vua đá phạt đền như anh lại đá hỏng quả penalty ở lượt sút luân lưu trong trận đấu với Bồ Đào Nha, góp phần khiến đội tuyển Anh không thể tiến vào bán kết. Cái vận đen ấy vẫn còn đeo bám anh đến đất Nam Phi và đến tận ngày hôm nay.
Mùa hè Brazil năm nay, ở cái tuổi 35, khi mà sự nghiệp oanh liệt ở CLB đã gần như kết thúc, anh vẫn được gọi vào đội tuyển Anh vốn không thiếu những ngôi sao trẻ. Và giờ, tôi tự hỏi Roy Hodgson gọi anh vào làm gì? Để viết tiếp chuỗi những câu chuyện buồn trong màu áo đội tuyển Quốc gia của anh chăng?
Đội tuyển Anh đá ba trận thì có đến hai lần Lampard không được ra sân. Và chỉ đến khi chắc chắn đã bị loại, anh mới được tung vào sân. Kết quả hòa không bàn thắng, đội tuyển Anh về nước và không có nổi một trận thắng. World Cup năm nay đã có thể là giải đấu Quốc tế cuối cùng của anh, trận đấu với Costa Rica cũng có thể là trận World Cup cuối của anh. Và nó kết thúc bằng một cách buồn thảm như vậy đấy…
Và giờ, giữa ngày mưa lạnh, nằm cuộn mình trong chăn nghe lại giai điệu The time of our lives, nghĩ về những mảng kí ức World Cup xưa, nỗi buồn lại tràn ngập trong tôi. Những kì World Cup sau có thể sẽ hay hơn, hấp dẫn hơn, sẽ xuất hiện nhiều gương mặt xuất sắc hơn, đội tuyển Anh có thể sẽ có một kết cục đẹp hơn, nhưng có lẽ nó sẽ rất trống vắng vì thiếu anh, thiếu những bước chạy không mệt mỏi, thiếu những đường chuyền sắc lạnh, thiếu những bàn thắng thương hiệu và cả cách anh giơ tay lên trời ăn mừng bàn thắng. Còn tôi, chắc chắn tôi sẽ rất nhớ anh, người hùng của tôi, Frank Lampard.