Ra đời năm 2006, Flightradar24 là ứng dụng theo dõi chuyến bay theo thời gian thực. Thông tin về số hiệu chuyến bay, địa điểm cất và hạ cánh, thời gian, độ cao, tốc độ hay quãng đường của máy bay đều được cập nhật trực tiếp.
Đây cũng là ứng dụng được hàng trăm nghìn người sử dụng để theo dõi khi bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ bay từ Malaysia sang Đài Loan vào tối 3/8.
Flightradar24 được phát hành miễn phí, người dùng có thể tải để theo dõi đa số chuyến bay phổ thông. Tính đến nay, ứng dụng thu hút hàng chục triệu lượt tải, từng có thời điểm ghi nhận 2 triệu người dùng trong ngày.
Mọi người thường tải Flightradar24 để theo dõi chuyến bay gắn với người nổi tiếng, liên quan đến các sự kiện quan trọng. Đây là cách dữ liệu chuyến bay được thu thập và cập nhật trực tiếp trên ứng dụng.
Sử dụng công nghệ hiện đại
Khoảng 70% chuyến bay thương mại trên Flightradar24 được theo dõi bởi hệ thống giám sát tự động độc lập (Automatic Dependent Surveillance-Broadcast – ADS-B). Mỗi máy bay dân dụng đều trang bị hộp ADS-B. Hộp này sẽ gửi thông tin GPS (vĩ độ, kinh độ, độ cao), tốc độ, model máy bay và số hiệu chuyến bay bằng sóng vô tuyến không mã hóa ở tần số 1.090 MHz.
Tín hiệu được truyền với tốc độ cao, khoảng 1 MB/s. Dưới mặt đất được trang bị các ăng-ten thu sóng và hộp RTL-SDR, kết nối với máy tính để xử lý tín hiệu thành dữ liệu có thể đọc được. Các hộp giải mã này được bán với giá khoảng 15 USD. Về lý thuyết, mọi người có thể mua hộp RTL-SDR và tự theo dõi chuyến bay bởi dữ liệu không được mã hóa.
Hộp phát tín hiệu ADS-B trên máy bay. Ảnh: Garmin. |
Với Flightradar24, công ty điều hành ứng dụng sở hữu hơn 25.000 trạm thu ADS-B trên thế giới. Chúng được đặt tại nhiều nơi như đỉnh tháp, sân bay hoặc nóc nhà của những người đam mê hàng không. Họ đồng ý vận hành trạm của Flightradar24 dưới dạng tình nguyện viên.
Các dữ liệu được tập hợp cùng lịch trình, tình trạng chuyến bay từ hãng hàng không và sân bay để cho ra thông tin chính xác nhất.
Flightradar24 gửi hàng chục hộp thu tín hiệu, kể cả ăng-ten và dây cáp cho tình nguyện viên mỗi tuần. Dữ liệu được xử lý và cập nhật lên máy chủ ứng dụng mỗi 5 giây. Dịch vụ này còn có thể dự đoán lộ trình bay bằng cách thu thập dữ liệu từ hãng hàng không để ước tính quãng đường.
Mỗi trạm thu ADS-B bao phủ khoảng 250-450 km theo mọi hướng. Với mạng lưới trạm thu dày đặc của Flightradar24, máy bay dù ở biển xa vẫn có thể liên lạc để truyền tín hiệu.
Đại diện Flightradar24 tuyên bố đã phủ sóng toàn bộ không phận nước Mỹ, châu Âu và nhiều quốc gia khác ở độ cao trên 9.000 m. Những khu vực xa xôi như Nam Cực, các hòn đảo ở phía nam Đại Tây Dương cũng được lắp đặt hộp thu tín hiệu của dịch vụ này.
Hộp thu tín hiệu ADS-B của Flightradar24. Ảnh: Nubifer/Wikipedia. |
ADS-B được xem là công nghệ theo dõi máy bay của tương lai, thay thế radar đang được các trạm kiểm soát không lưu (ATC) sử dụng hiện nay. Không chỉ hiện đại hơn, ADS-B còn giúp mở rộng phạm vi theo dõi, giúp cập nhật thông tin nhanh chóng và hiệu quả hơn.
Kết hợp nhiều công nghệ khác
Ngoài ADS-B, một số công nghệ khác cũng được dùng để thu thập dữ liệu chuyến bay. Với máy bay không trang bị hộp ADS-B, Flightradar24 sử dụng hệ thống giám sát đa điểm (Multilateration – MLAT), có thể tính toán vị trí máy bay dựa trên độ trễ giữa các trạm thu tín hiệu khác. Cần ít nhất 4 trạm thu, nhận tín hiệu từ cùng một máy bay để MLAT hoạt động.
Flightradar24 còn sử dụng công nghệ theo dõi bằng vệ tinh. Các vệ tinh được gắn bộ thu tín hiệu ADS-B, thu thập dữ liệu từ máy bay nằm ngoài vùng phủ sóng của Flightradar24 trên mặt đất rồi gửi thông tin về máy chủ trang web.
Độ phủ sóng của công nghệ vệ tinh rất cao nhờ số lượng vệ tinh khổng lồ và có thể hoạt động trên biển. Tuy nhiên, chỉ những máy bay trang bị hộp phát tín hiệu ADS-B mới được theo dõi bằng công nghệ này.
2 triệu người từng bật Flightradar24 để theo dõi trực tiếp chiếc Boeing 787-8 "vẽ" hình máy bay trên bầu trời nước Mỹ. Ảnh: Flightradar24. |
Phục vụ người dùng lẫn nhà chức trách
Người dùng thường tải Flightradar24 khi muốn theo dõi chuyến bay của các nhân vật mà họ quan tâm. Đầu năm 2021, hơn 1 triệu người dùng Flightradar24 để xem chuyến bay đến Thổ Nhĩ Kỳ của tiền vệ Mesut Özil. Năm 2017, 2 triệu người đã tìm kiếm hành trình chiếc Boeing 787-7 vẽ hình máy bay trên bầu trời Mỹ.
Ngày 1/8, hàng trăm nghìn người dùng Flightradar24 để theo dõi trực tiếp chuyến bay đến Đài Loan của Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi. Với hơn 708.000 người xem trực tiếp, đây là con số kỷ lục với một chuyến bay trên Flightradar24 từ trước đến nay. Điều đó khiến máy chủ dịch vụ quá tải, khiến ứng dụng bị "sập" trong thời gian ngắn.
Dù lắp hàng chục nghìn trạm thu tín hiệu để cập nhật dữ liệu chuyến bay, một số máy bay vẫn không được Flightradar24 theo dõi đầy đủ. Công ty vận hành những máy bay tư nhân, hoặc cực kỳ nhạy cảm như máy bay quân sự có thể yêu cầu hạn chế hoặc chặn truyền tín hiệu.
Các sự cố như không cập nhật lịch trình kịp thời, cấu hình sai cũng có thể khiến dữ liệu chuyến bay hiển thị không chính xác. Một số máy bay cũ, phân tích vị trí dựa trên gia tốc và vận tốc cũng có thể khiến dữ liệu bị sai lệch.
Ra đời từ năm 2006, Flightradar24 từng có đến 2 triệu người dùng mỗi ngày. Ảnh: Flightradar24. |
Ngoài phục vụ sở thích theo dõi chuyến bay, Flightradar24 còn giúp phân tích những manh mối đầu tiên khi một máy bay bỗng dưng biến mất, nhiều khả năng do tai nạn.
Năm 2015, dữ liệu của Flightradar24 cho thấy chế độ lái tự động trên chiếc Airbus A320, chuyến bay 4U9525 của Germanwings được cài đặt hạ độ cao xuống 100 feet (khoảng 30 m), thấp hơn rất nhiều so với độ cao thông thường khi máy bay đâm vào sườn dãy Alps. Tổ điều tra tại Pháp đã yêu cầu dịch vụ chia sẻ dữ liệu.
Khi máy bay Boeing 737-500 của Sriwijaya Air gặp nạn tại Indonesia vào năm 2021, dữ liệu trực tiếp của Flightradar24 giúp đưa ra các phân tích đầu tiên rằng máy bay đã hạ độ cao 10.000 feet (khoảng 3.000 m) trong chưa đầy 60 giây.
Tương tự, các điều tra xoay quanh chuyến bay PS752 của Hãng hàng không Quốc tế Ukraine, bị bắn hạ vào tháng 1/2020 cũng được dữ liệu của Flightradar24 hỗ trợ phân tích.