Trao đổi với Zing.vn, bà Vũ Thị Hậu, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, doanh nghiệp sở hữu siêu thị Fivimart xác nhận thông tin doanh nghiệp này tạm dừng bán một số loại nước mắm truyền thống.
Chuyển sang siêu thị khác mua nước mắm truyền thống
Theo bà Hậu, sau khi Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) công bố nhiều loại nước mắm có thạch tín vượt ngưỡng, dựa trên danh sách đó, Fivimart rà soát, kiểm tra lại giấy tờ của các nhà cung cấp thì thấy nhiều mặt hàng hết hạn hợp đồng, nên tạm dừng bán trên toàn hệ thống.
“Chúng tôi chỉ tiếp tục bán các mặt hàng nước mắm truyền thống khi các doanh nghiệp, nhà cung cấp đưa lại giấy tờ có chứng nhận kiểm tra, kiểm soát đầy đủ và chứng minh không vấn đề gì”, bà Hậu nói.
Bà Hậu cũng khẳng định không có chuyện Fivimart bắt tay với các thương hiệu nước mắm công nghiệp để loại bỏ nước mắm truyền thống ra khỏi siêu thị.
“Tất cả các thương hiêu nước mắm truyền thống cũng như nước mắm công nghiệp được đối xử công bằng như nhau, hàng hóa vào phải đầy đủ giấy tờ", bà Hậu khẳng định.
Fivimart dừng bán hàng loạt mắm truyền thống . Ảnh: NDH |
Chị Nguyễn Thị Hiền, người dân ở quận Đống Đa, Hà Nội, cho hay do người quen nhờ mua 5 chai nước mắm truyền thống gửi về quê làm quà, chị qua siêu thị Fivimart ở Trúc Khê tìm mua nhưng không có. Hỏi nhân viên, chị được biết siêu thị tạm dừng bán các mặt hàng nước mắm truyền thống một thời gian.
“Tôi không biết vì lý do gì nhưng nếu Fivimart dừng bán nước mắm truyền thống thì thật bất tiện. Gia đình tôi chắc chắn sẽ chuyển qua siêu thị khác để mua sắm được đầy đủ hơn”, chị Hiền nói.
Trước đó, từ ngày 18/10, nhiều doanh nghiệp nước mắm truyền thống cho biết một số khách hàng gọi điện chất vấn, đòi trả lại hàng. Một vài hệ thống siêu thị cũng yêu cầu doanh nghiệp phải giải trình thông tin Vinastas công bố.
Theo bà Kim Dung, đại diện nhà phân phối nước mắm Thanh Hà, từ khi nhận được thông tin về asen trong nước mắm, khách hàng rất hoang mang, liên tục
gọi điện hỏi thăm tình hình.
Phát tờ rơi hạ bệ nước mắm truyền thống
Bà Nguyễn Thị Tịnh, chủ doanh nghiệp nước mắm Thanh Quốc cho rằng doanh nghiệp đang như "dầu sôi lửa bỏng" khi mà siêu thị từ chối nhận hàng. Một số nhà phân phối cũng ngưng nhập để chờ tiếng nói chính thức từ cơ quan chức năng.
Trong khi đó, ông Đặng Thành Điểm, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Sản xuất kinh doanh nước mắm Hưng Thịnh, cho biết đã có kẻ gian không biết từ đơn vị nào đi đến các chợ, nhà phân phối để phát tờ rơi tuyên truyền nước mắm truyền thống nhiễm asen.
"Chính tôi và nhiều doanh nghiệp khác có xuất khẩu mặt hàng nước mắm. Nếu thông tin này lan truyền ra có thể giết chết ngành nước mắm truyền thống", ông Điểm cho hay.
Đại diện nước mắm 584 cho hay những thông tin sai lệch mà
Vinatas công bố không chỉ tác động riêng tới doanh nghiệp nước mắm mà ảnh hưởng tới toàn bộ ngành thủy sản.
"Doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn không đủ sức xử lý khủng hoảng. Người tiêu dùng Việt vốn đang hoang mang với tình trạng thực phẩm bẩn tràn lan thời gian qua và mất niềm tin vào hàng Việt. Người ta ăn gạo Thái, ngũ cốc ngoại và nếu không cẩn thận người ta sẽ ăn nước mắm ngoại", đại diện 584 lo ngại.
Hôm qua, 19/10, Hiệp hội Nước mắm Phú Quốc đã gửi đơn kiến nghị lên Bộ Công Thương và Bộ Y tế, yêu cầu minh oan, làm rõ các thông tin xung quanh công bố của Vinastas về nước mắm nhiễm asen. Hiệp hội nước mắm Phan Thiết cũng cho biết đang cân nhắc gửi đơn kiến nghị đến các Bộ, ngành liên quan, yêu cầu làm rõ thông tin gây hoang mang dư luận, gây tổn thất cho các doanh nghiệp này.