Kinh tế vĩ mô phục hồi, nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp dự báo tăng tốc nửa cuối năm. Ảnh: Nam Khánh. |
Trong báo cáo về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tháng 5, FiinRatings cho rằng kinh tế vĩ mô phục hồi sẽ giúp nhu cầu đi vay và phát hành trái phiếu của doanh nghiệp tăng tốc vào nửa cuối năm nay.
Nhu cầu vốn tăng trong cao điểm cuối năm
Đơn vị này chỉ ra động lực đầu tiên là tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất. Chỉ số sản xuất công nghiệp 5 tháng qua ước tăng gần 7% so với cùng kỳ 2023.
Xuất khẩu của Việt Nam tăng trưởng trở lại nhờ kinh tế tại các thị trường chính phục hồi. Tháng trước, nhập siêu quay lại sau gần 2 năm, ở mức 1 tỷ USD. Trong đó, nhập khẩu tăng chủ yếu ở các mặt hàng tư liệu sản xuất.
"Nhập khẩu mạnh nguyên liệu đầu vào cho thấy tín hiệu phục hồi của lĩnh vực sản xuất nói chung cũng như nhu cầu huy động vốn doanh nghiệp sản xuất nói riêng", các chuyên gia tại FiinRatings đánh giá.
Song song đó, tăng trưởng tín dụng cho lĩnh vực kinh doanh bất động sản (bao gồm đầu tư trái phiếu doanh nghiệp bất động sản của các ngân hàng thương mại) triển vọng hồi phục khi các vướng mắc về pháp lý dần tháo gỡ. Các bộ luật mới được kỳ vọng tạo điều kiện thuận lợi hơn.
Lãi suất tiết kiệm tăng trở lại gần đây cũng là một động lực. Mức lãi suất tiết kiệm 12 tháng của các ngân hàng tư nhân đã tăng bình quân 19 và 17 điểm % trong tháng 5 và tháng 6, trong khi mặt bằng lãi suất tại các ngân hàng quốc doanh vẫn trong xu hướng đi ngang.
Kháo sát cho thấy lãi suất huy động kỳ hạn 12 tháng tại nhóm ngân hàng tư nhân đã đảo chiều trong tháng 5 và tháng 6. Ảnh: PiinProX. |
Tuy nhiên, thanh khoản bớt dư thừa trong hệ thống có thể khiến các ngân hàng quốc doanh tăng lãi suất huy động thời gian tới, gây rủi ro chi phí đối với các trái phiếu trả lãi theo cơ chế thả nổi.
Nhưng ngược lại, đây là yếu tố thúc đẩy việc phát hành trái phiếu dài hạn với lãi suất cố định trên nền lãi suất còn thấp như hiện nay.
Giá trị phát hành trái phiếu tăng mạnh
Ở thời điểm hiện tại, trên thị trường sơ cấp, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ trong tháng 5 tiếp tục tăng trưởng cả về số đợt và giá trị phát hành.
Tính đến ngày 6/6, thị trường đón nhận 26 đợt phát hành mới với tổng giá trị đạt 23.200 tỷ đồng, tăng 21% so với tháng trước và tương đương 6,1 lần so với cùng kỳ năm trước.
Sự tăng trưởng này chủ yếu đến từ nhóm ngành tổ chức tín dụng với 19 đợt phát hành trị giá 16.500 tỷ đồng, tăng 77% so với tháng trước. Nhóm bất động sản ghi nhận tổng giá trị phát hành là 6.200 tỷ đồng, giảm 30%.
Họạt động mua lại trái phiếu doanh nghiệp trong tháng 5 đạt 13.600 tỷ đồng, tăng 6%. Nhóm ngân hàng tiếp tục là đối tượng mua lại chủ yếu, chiếm tới 86% giá trị trong tháng.
Giá trị trái phiếu đáo hạn trong quý III và quý IV đạt lần lượt 57.900 tỷ đồng và 77.400 tỷ đồng. Áp lực thanh toán hiện hữu với nhóm ngành bất động sản trong quý III với tổng cộng 37.000 tỷ đồng, chiếm 64% tổng trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn.
Tuy nhiên, FiinRatings cho biết một số lượng lớn doanh nghiệp trong thời gian qua đã có động thái xin giãn, hoãn thanh toán nợ gốc và sửa đổi kế hoạch mua lại, giúp áp lực thanh toán trước mắt được giải tỏa.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ghi nhận thêm khoảng 20.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp chậm trả, bao gồm 72% giá trị trái phiếu được giãn hoãn thời gian đáo hạn 1-2 năm.
"Phương án trên tiếp tục giúp các doanh nghiệp có thêm thời gian để tập trung xử lý khó khăn về sản xuất kinh doanh và cân đối dòng tiền trả nợ. Đặc biệt với nhóm bất động sản khi khả năng trả nợ còn thấp giữa bối cảnh thị trường nhà ở phục hồi chậm", chuyên gia tại FiinRatings nhận định.
Tỷ suất lợi tức đáo hạn ghi nhận tại các doanh nghiệp phi ngân hàng có trái phiếu lưu hành lớn nhất tại ngày 10/6. Ảnh: FiinRatings. |
Ở thị trường giao dịch thứ cấp, trong tháng 5, giá trị giao dịch trái phiếu riêng lẻ tăng đáng kể lên hơn 106.000 tỷ đồng, tương đương tăng 44% so với tháng trước. Ngành ngân hàng và bất động sản vẫn chiếm đa số, với giá trị giao dịch trái phiếu ngân hàng tăng mạnh hơn 80%, bất động sản tăng 18%.
Nhóm trái phiếu ngân hàng có tỷ suất lợi tức dao động 5-9%. Trong khi nhóm doanh nghiệp phi ngân hàng có tỷ suất lợi tức 7-13%, phần lớn tập trung ở các chủ đầu tư lớn, có thương hiệu và lịch sử hoạt động đã được chứng minh như Vinhomes (VHM), Nam Long (NLG), Khang Điền (KDH) hay Becamex (BCM). Đây đồng thời cũng là nhóm trái phiếu có thanh khoản tốt nhất thị trường.
Tuy nhiên, FiinRatings cũng ghi nhận một số mã trái phiếu phi ngân hàng với lợi tức cao hơn nhiều mức phổ biến.
Tại ngày 10/6, một số lô trái phiếu giao dịch với mức tỷ suất lợi tức đáo hạn bình quân lên tới trên 20% với kỳ hạn dưới 6 tháng của Năng lượng tái tạo Trung Nam (26,86%), Đầu tư Địa ốc Mai Viên (27,26%), BKAV Pro (41,79%) và Licogi 13 (27,6%). Tuy nhiên tổng giá trị giao dịch của các lô này chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trên tổng giá trị lưu hành (dưới 0,3%).
"Điều này cho thấy thị trường thứ cấp đang ngày càng phản ánh mức độ rủi ro vào việc định giá lãi suất trái phiếu trên thị trường", tổ chức này nhấn mạnh.
Tri thức - Znews giới thiệu độc giả Tủ sách kiến thức kinh tế với đa dạng cuốn sách, câu chuyện trong lĩnh vực kinh doanh, kinh tế. Là nguồn tư liệu cho những người quan tâm và muốn nâng cao kiến thức trong lĩnh vực kinh tế. Những cuốn sách, câu chuyện trong Tủ sách không chỉ đơn thuần là những tác phẩm của tri thức mà còn chứa đựng bí quyết, kinh nghiệm quý báu từ các tác giả, nhà quản lý có uy tín và kinh nghiệm lâu năm trong ngành.
Đọc sách không chỉ giúp người đọc tiếp cận những kiến thức mới mà còn giúp mở rộng tầm nhìn và phát triển bản thân. Tủ sách kiến thức kinh tế mong muốn lan tỏa tri thức trong lĩnh vực kinh doanh, đồng thời phát triển văn hóa đọc cho người Việt.