"FIFA quy định các án phạt trọng tài không được công bố, bóng đá thế giới như vậy và bóng đá Việt Nam cũng vậy", một lãnh đạo Ban trọng tài VFF nói với Zing.
Nguyên tắc của các tổ chức trọng tài chuyên nghiệp trên thế giới là không công khai số trận mà trọng tài bị "treo còi". Quy định này cũng được áp dụng với bóng đá Việt Nam.
Trọng tài Al-Jassim gây tranh cãi khi không cho Việt Nam hưởng penalty. Ảnh: Thanh Hà. |
Hôm 8/9, LĐBĐ Việt Nam (VFF) kiến nghị lên LĐBĐ Thế giới (FIFA) và LĐBĐ châu Á (AFC) về công tác trọng tài ở trận đấu trên sân Mỹ Đình. VFF cho rằng trọng tài không có quyết định đúng.
"Ở trận đấu giữa tuyển Việt Nam và Australia, VFF nhận thấy trọng tài không đưa ra quyết định chính xác, gây ảnh hưởng đến kết quả trận đấu", Phó chủ tịch VFF, ông Trần Quốc Tuấn viết.
Với kiến nghị lên FIFA và AFC, Ban trọng tài của hai cơ quan này sẽ xem xét dựa vào báo cáo của giám sát trọng tài và biên bản trận đấu của trọng tài Al-Jassim. Nhưng việc FIFA hay AFC có phản hồi lại kiến nghị của VFF hay không còn dựa vào nhiều yếu tố.
Có điều chắc chắn rằng nếu quyết định của trọng tài Qatar làm sai lệch kết quả trận đấu, án kỷ luật của ông sẽ không được công bố. Tuy nhiên, nếu ông Al-Jassim không được phân công ở lượt đấu tiếp theo thì có khả năng ông bị kỷ luật.
"Thông thường ở một trận đấu như vòng loại World Cup, trọng tài làm sai lệch kết quả trận đấu sẽ bị nghỉ vòng tiếp theo. Án phạt không được công bố nên khi nào trọng tài trở lại thì số trận vắng mặt thường được xem là số trận bị kỷ luật", một giám sát trọng tài lý giải.
Vị này cũng cho biết, nếu trọng tài làm sai ở các giải, ở một vòng chung kết thì sẽ được về nước sớm/rời giải nếu lỗi nặng, còn lỗi nhẹ thì nghỉ vài trận hoặc được phân công làm trọng tài thứ tư.
Một trọng tài FIFA cho biết theo thang điểm của Ban trọng tài AFC, trọng tài làm sai lệch kết quả trận đấu hoặc làm sai luật sẽ bị chấm 7,4 điểm. Điểm này là số điểm bị kỷ luật. Việc sai lệch kết quả được so sánh với tỷ số chung cuộc của trận đấu đó.
Tuyển Việt Nam đã thua 0-1 trước Australia. Nếu trọng tài Al-Jassim sai trong tình huống cầu thủ Australia để bóng chạm tay trong vòng cấm địa, Việt Nam đáng lẽ có quả phạt đền và cơ hội ghi bàn. Như vậy, tỷ số khi đáng lẽ là 1-1 so với kết quả thực tế.
Điểm trung bình cho một trọng tài hoàn thành nhiệm vụ một trận đấu là 8,0. Nếu giám sát trọng tài chấm ông Al-Jassim 8,5 điểm, xem như trọng tài Qatar đã hoàn thành xuất sắc công việc trong trận đấu đó.
Trọng tài Tantashev Ilgiz rút thẻ đỏ cho Duy Mạnh ở trận thua Saudi Arabia. Ảnh: AFC. |
Một giám sát trọng tài chia sẻ rằng: "Trọng tài chính có thể xem VAR nhiều góc máy khác với góc máy truyền hình để đưa ra nhận định. Chúng ta không thấy được những góc đó. Ở tầm đẳng cấp như Al-Jassim, lại là trọng tài chủ nhà World Cup 2022, thì rất khó sai".
Ông Al-Jassim là trọng tài FIFA từ năm 2013. Trọng tài sinh năm 1987, từng thổi trận chung kết AFC Champions League 2020 và chung kết Club World Cup 2019 giữa Liverpool và Flamengo. Ông còn là trọng tài VAR ở World Cup 2018.
Cũng cần biết thêm rằng, Chủ tịch Ủy ban Trọng tài FIFA là ông Pierluigi Collina (người Italy), còn Phó chủ tịch thường trực là ông Hany Taleb Al Raeesi (người Qatar), đồng hương của trọng tài chính trong trận Việt Nam thua 0-1 trước Australia.
Điều đáng lưu ý nữa là các trọng tài thế giới đã áp dụng luật IFAB 2021/22 từ ngày 1/7 cho toàn bộ các giải đấu. Luật 12 - Mục Handball có thay đổi đáng kể để trọng tài nhận định vị trí tay tự nhiên có hợp lý theo chuyển động cơ thể hay không. Đó là mấu chốt trong hai pha bóng của Duy Mạnh và Hồng Duy ở hai trận vừa qua.
Trong khi đó, những thay đổi của Luật IFAB 2021/22 chưa được phổ cập ở Việt Nam. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, lớp tập huấn trọng tài chuyên nghiệp Việt Nam bị hoãn. Lớp tập huấn thường diễn ra vào giai đoạn hai của mùa giải.