Ngân hàng Nhà nước vừa có văn bản thay đổi về hình thức pháp lý cũng như chấp thuận tăng vốn cho Công ty Tài chính TNHH MTV Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (FE Credit) – công ty con do VPBank nắm giữ 100% vốn (đến cuối 2019).
FE Credit chuyển sang dạng công ty cổ phần
Cụ thể, cơ quan quản lý đã chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của FE Credit từ công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên sang công ty cổ phần.
Bên cạnh đó, NHNN cũng chấp thuận việc tăng vốn điều lệ của công ty tài chính này từ 7.328 tỷ lên 7.333 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ đã được cấp có thẩm quyền thông qua trước đó.
FE Credit sẽ phải thực hiện thủ tục tăng vốn theo quy định của pháp luật liên quan trong thời hạn 12 tháng. Nếu việc tăng vốn chưa hoàn tất trong thời gian này, chấp thuận của NHNN sẽ hết hiệu lực.
FE Credit hiện là công ty tài chính chiếm thị phần cho vay tiêu dùng lớn nhất thị trường với trên 50% thị phần. Chủ sở hữu công ty là ngân hàng VPBank.
FE Credit thành lập từ đầu năm 2015. |
Năm 2019, tổng khối lượng giải ngân của công ty này lên tới 72.500 tỷ, tăng 19% so với năm liền trước, dư nợ cho vay ước đạt 60.600 tỷ, tăng gần 14%.
Cũng trong năm vừa qua, Công ty ghi nhận hơn 18.150 tỷ tổng thu nhập, tăng 29% với NIM (biên lãi thuần) lên tới 31,3%, cùng kỳ đạt 28,4%.
Đây cũng là lý do giúp kết quả hợp nhất với ngân hàng mẹ VPBank có NIM lớn nhất hệ thống năm vừa qua, khoảng 7,87%, cao hơn nhiều nhà băng lớn khác như Vietcombank (2,82%); Vietinbank (2,68%); BIDV (2,44%); Techcombank (3,65%); hay MBBank (4,33%)...
Ngoài hơn 7.300 tỷ đồng vốn điều lệ, huy động vốn đến cuối năm 2019 của công ty này vào khoảng 70.650 tỷ, tăng 17%. Trong đó, 43% đến từ phát hành giấy tờ có giá, 23% từ vay nước ngoài, còn lại 18% là vốn và quỹ.
Sau khi trừ các khoản chi phí liên quan, FE Credit thu về 4.488 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, tăng 8%, tương đương mức đóng góp 43% vào lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank năm qua (10.334 tỷ đồng).
Dọn đường bán vốn hay niêm yết?
Việc chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần của FE Credit cũng là bước bắt buộc để doanh nghiệp này có thể bán vốn cho đối tác ngoại hoặc niêm yết trên thị trường chứng khoán.
Tuy nhiên, việc chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần trong năm nay thì sớm nhất đến năm 2021 doanh nghiệp này mới có thể niêm yết trên sàn HNX hoặc 2022 để lên HOSE.
Chưa thể niêm yết ngay nhưng việc chuyển sang CTCP có thể giúp FE Credit bán vốn cho đối tác ngoại. Ảnh minh họa: T.L. |
Cụ thể, theo Nghị định 58/2012 quy định điều kiện niêm yết cổ phần tại Sở giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), doanh nghiệp muốn niêm yết cổ phiếu phải “có ít nhất 2 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần tính đến thời điểm đăng ký niêm yết (ngoại trừ doanh nghiệp nhà nước cổ phần hóa gắn với niêm yết)…”.
Trong khi đó, nếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), FE Credit cũng phải có ít nhất 1 năm hoạt động dưới hình thức công ty cổ phần.
Tuy vậy, việc chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần sẽ giúp FE Credit có quyền tự do chuyển nhượng cổ phần của mình cho đối tác bên ngoài (hay bán vốn).
Khi chuyển sang công ty cổ phần, VPBank sẽ là cổ đông lớn nhất nắm đa số vốn tại FE Credit. Việc công ty tài chính này tăng thêm 5 tỷ đồng vốn có thể sẽ giảm tỷ lệ sở hữu của VPBank tại đây xuống dưới mức 100%, mở đường cho việc bán vốn.
Đại diện VPBank cho biết, dù trước đó hoạt động dưới hình thức Công ty TNHH MTV nhưng hoạt động của FE Credit đã độc lập với VPBank và việc chuyển đổi sang hình thức công ty cổ phần nằm trong chiến lược của riêng công ty.