Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Fandi Ahmad: '15 hay 20 năm nữa, Việt Nam, Thái Lan mới dự World Cup'

Cựu danh thủ Fandi Ahmad không lạc quan về cơ hội giành vé dự World Cup của các đội tuyển Đông Nam Á như Việt Nam, Thái Lan hay Singapore trong vài năm tới.

Bong da Viet Nam anh 1

Chia sẻ với Tri thức, ông Fandi Ahmad, cựu tiền đạo từng có 92 lần khoác áo tuyển Singapore, chơi cho Groningen (Hà Lan), cho rằng vấn đề lớn nhất khiến bóng đá Việt Nam, Thái Lan,... chưa thể bắt kịp Hàn Quốc, Nhật Bản nằm ở thể chất các cầu thủ, giải VĐQG tại Đông Nam Á chưa phát triển bền vững... Quan trọng hơn, nhiều cầu thủ Đông Nam Á tỏ ra tự mãn với những gì được nhận.

Bóng đá Đông Nam Á chưa thể bắt kịp Hàn Quốc, Nhật Bản

- Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia vẫn là "anh cả" với bóng đá châu Á. Và dường như trật tự này khó thay đổi trong nhiều năm tới?

- Tôi đồng ý với quan điểm này. Thể chất, cường độ (thi đấu) của các cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc... hoàn toàn khác so với cầu thủ tại Đông Nam Á. Chưa kể, kỹ thuật của họ cũng vượt trội. Tiếp nữa, Nhật Bản hay Hàn Quốc có nhiều cầu thủ thi đấu ở châu Âu, chơi cho những giải đấu hàng đầu thế giới.

Hàng năm, nền bóng đá tại những quốc này cũng liên tục phát triển. Còn bóng đá Đông Nam Á lại chuyển động như đồ thị hình sin. Các đội thiếu sự phát triển một cách ổn định. Ví dụ, Thái Lan từng rất mạnh, nhưng giờ họ có dấu hiệu khựng lại. Điều tương tự xảy ra với Việt Nam, Indonesia...

Tuy nhiên, tôi nghĩ điều quan trọng nhất để giúp tuyển Hàn Quốc hay Nhật Bản phát triền bền vững nằm ở chính giải VĐQG. Hệ thống giải đấu của những quốc gia này luôn nâng cao tiêu chuẩn theo thời gian. Hơn nữa, ngày càng có nhiều cầu thủ Hàn Quốc và Nhật Bản xuất ngoại, điều này giúp cho ĐTQG được hưởng lợi.

Bong da Viet Nam anh 2

Huyền thoại Fandi Ahmad cho rằng bóng đá Đông Nam Á chưa thể bắt kịp Nhật Bản, Hàn Quốc...

- Ông vừa nhắc tới thể chất của cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản, Iran, Australia... khỏe hơn cầu thủ Đông Nam Á. Vậy thể chất là một trong những yếu tố quyết định tất cả?

- Có thể nói là như vậy. Nhìn vào thể chất của các cầu thủ Hàn Quốc, Nhật Bản,... họ khỏe và mạnh hơn đồng nghiệp Đông Nam Á rất nhiều. Tại các giải VĐQG Hàn Quốc hay Nhật Bản, các cầu thủ chơi bóng dưới điều kiện thời tiết 4 mùa rõ rệt. Điều này ảnh hưởng phần nào đến thể chất của họ.

Ví dụ, khi các cầu thủ thi đấu trong mùa đông, điều này thật sự rất khắc nghiệt. Song, yếu tố đó lại giúp các cầu thủ trở nên ngoan cường và mạnh mẽ hơn. Để so sánh, các cầu thủ chơi bóng ở Đông Nam Á chỉ thường thi đấu dưới điều kiện trời nóng hay mùa mưa. Họ chưa bao giờ trải qua việc phải thi đấu với điều kiện thời tiết khắc nghiệt..

Trong khi đó, các cầu thủ ở Nhật Bản, Hàn Quốc hay Ả Rập lại quen với việc tập luyện cũng như thi đấu dưới cái nắng nóng gay gắt hay thời tiết ẩm ướt. Và như tôi nói, các cầu thủ Đông Nam Á đôi khi quá "tận hưởng" việc được thi đấu với điều kiện thoải mái. Họ không quen việc chịu "khổ".

Nhưng sau tất cả, tôi vẫn nhấn mạnh việc giải VĐQG rất quan trọng. Muốn phát triển, các quốc gia ở Đông Nam Á phải nâng cao chất lượng của sân chơi quốc nội, tạo điều kiện để cầu thủ xuất ngoại nhiều hơn.

Tôi thấy nhiều cầu thủ Đông Nam Á dường như đang "hưởng thụ" điều kiện hiện tại, hay nói cách khác là không muốn đón nhận thử thách. Nhiều cầu thủ đủ khả năng chơi bóng ở châu Âu, nhưng họ lại sợ xuất ngoại, theo đó hài lòng với việc chỉ thi đấu tại giải trong nước.

Bong da Viet Nam anh 3

Mitoma đang chơi hay trong màu áo Brighton. Ảnh: AP.

- Kaoru Mitoma, Son Heung-min, Hwang Hee-chan hay Takefusa Kubo tung hoành tại châu Âu. Nhìn sang Đông Nam Á, không thấy có tiền đạo nào cự phách hiện tại. Vậy đây lại thêm lý do khiến bóng đá Đông Nam Á bị bỏ xa?

- Như tôi đã nói, thể chất của cầu thủ Nhật Bản, Hàn Quốc vượt trội hơn Đông Nam Á. Họ cũng là những người rất mạnh mẽ, kỷ luật trong lối sống.

Trong quá khứ, bóng đá Việt Nam, Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia từng có những cầu thủ xuất sắc. Thế nhưng, họ hầu như không thể tiến xa hơn. Tôi vẫn cho rằng giải VĐQG rất quan trọng. Việt Nam, Thái Lan hay Indonesia phải thay đổi cấu trúc giải đấu.

Gần đây, các quốc gia Đông Nam Á bắt đầu tạo điều kiện cho cầu thủ nhập tịch. Nhờ vậy, chất lượng các đội tuyển khá lên rất nhiều. Các nội binh cũng có thêm động lực để thi đấu, bởi lúc này họ phải cố gắng cạnh tranh với dàn cầu thủ nhập tịch.

Hơn hết, khi Liên đoàn Bóng đá các nước tại Đông Nam Á "bật đèn xanh" cho cầu thủ nhập tịch, điều này tạo ra sự cạnh tranh cho một suất ở ĐTQG. Lúc này, chỉ những ai giỏi nhất mới được lên tuyển.

Lối đi nào cho bóng đá Đông Nam Á?

- Vậy dùng cầu thủ nhập tịch là cách tốt nhất để các đội tuyển Đông Nam Á thu hẹp khoảng cách với Nhật Bản, Hàn Quốc...? Và xa hơn nữa là để dự World Cup?

- Tôi không nói đó là cách tốt nhất để các đội tuyển có thể dự World Cup. Thế nhưng, dùng cầu thủ nhập tịch sẽ giúp chất lượng của ĐTQG được nâng tầm.

Tôi vẫn hoài nghi về khả năng dự World Cup của các đội tuyển Đông Nam Á. Có lẽ phải mất 15 hay 20 năm nữa thì chúng ta mới thấy một đội ĐNÁ giành vé tới World Cup.

Song, dùng cầu thủ nhập tịch để nâng tầm ĐTQG thì là điều có thể. Còn để dự World Cup hay xa hơn nữa là có kết quả tốt tại đấu trường này thì tôi không chắc.

Tôi cho rằng các nền bóng đá ĐNÁ cần chiến lược dài hạn. Thành thật mà nói, điều này không dễ thực hiện, vì cần một sự chuyên nghiệp hoàn toàn trong cách phát triển bóng đá. Hơn nữa, tất cả phải có chung mục tiêu, đó là dồn sức tối đa cho nhiệm vụ đề ra.

Tôi khuyến khích các cầu thủ Đông Nam Á xuất ngoại nhiều hơn, vì chỉ như vậy họ mới được cải thiện sự kỷ luật, tính chuyên nghiệp... Tại Đông Nam Á, tôi cho rằng nhiều cầu thủ khi có được hợp đồng hấp dẫn ở giải trong nước thì trở nên tự mãn, hài lòng với bản thân. Họ cũng không còn khát khao nữa.

Bong da Viet Nam anh 4

Son Heung-min đang trở thành niềm kiêu hãnh của bóng đá Hàn Quốc. Ảnh: AP.

- Ông từng thi đấu ở Hà Lan và ít nhiều tạo được tiếng vang. Giải VĐQG Hà Lan cũng là nơi mà nhiều cầu thủ châu Á thi đấu. Xem ra, đây là sân chơi phù hợp với cầu thủ châu Á?

- Không có giải đấu nào là dễ dàng, dù cho đó là Hà Lan, Pháp hay Đức. Song, đó vẫn là lựa chọn tốt cho cầu thủ châu Á. Giải VĐQG Hà Lan là bệ phóng tốt để các cầu thủ vươn xa hơn.

Tại Hà Lan, có nhiều cầu thủ châu Á thi đấu. Đây cũng là quốc gia với sự cởi mở về văn hóa. Họ có nhiều cầu thủ gốc Indonesia ở đó. Tôi tin rằng cũng xuất hiện đâu đó nhiều cầu thủ gốc Việt Nam chơi bóng tại Hà Lan.

Dĩ nhiên, ai cũng muốn chơi bóng tại Anh hay Tây Ban Nha, hai sân chơi hàng đầu thế giới hiện nay. Song, cầu thủ Đông Nam Á nên nhìn nhận thực tế rằng, không dễ để tới Anh chơi bóng vì một số điều luật phức tạp. Họ chỉ cho phép cầu thủ ở quốc gia nằm trong top 50 thế giới thi đấu.

- Xin cám ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Mục Thể thao giới cuốn sách nổi tiếng viết về bóng đá châu Phi mang tên "Bàn chân của tắc kè hoa" xuất bản vào năm 2010 của tác giả Ian Hawkey. Chân dung của tân HLV trưởng tuyển Việt Nam, Philippe Troussier, cũng sẽ hiện lên phần nào trong cuốn sách này.

HLV Troussier: 'VFF có ngân sách đặc biệt để dự World Cup'

HLV Troussier tiết lộ với Reuters rằng Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) có khoản ngân sách lớn và đáp ứng mọi yêu cầu của ông để hướng đến giấc mơ World Cup.

Đức Trường

Bạn có thể quan tâm