Nhà lãnh đạo nổi tiếng “hét ra lửa” phải lẩn trốn ở “một nơi an toàn” và rất bức bối bởi không thể xuất hiện để huy động lực lượng quần chúng ủng hộ ông. Theo báo chí Thổ Nhĩ Kỳ, ông Erdogan đã sử dụng ứng dụng FaceTime trên chiếc iPhone của mình để thể hiện quan điểm.
Với ứng dụng này, tổng thống đang bị cô lập đã có thể “xuất hiện” trước đông đảo quần chúng. Sự hiện diện của ông Erdogan trên FaceTime đã lập tức trấn an tâm lý hoang mang của đông đảo quần chúng vốn ủng hộ đường lối thiên Hồi giáo của ông tổng thống này.
Họ tin rằng thủ lĩnh của họ vẫn an toàn và như vậy có nghĩa là phe đảo chính chưa thể thắng lợi. Thông qua FaceTime, Erdogan đã khẳng định đảo chính “chỉ là một nhóm nhỏ” và sẽ bị sớm dẹp bỏ. Ông này kêu gọi quần chúng đông đảo đổ xuống đường phố tuần hành phản kháng và cản trở đảo chính.
Ông Erdogan trực tuyến với người dân qua ứng dụng FaceTime của điện thoại di động. Ảnh: NTV |
Nhờ sự “xuất hiện” nhanh chóng của ông Erdogan trên Internet, cùng những lời kêu gọi nảy lửa của ông, quần chúng Thổ Nhĩ Kỳ được tiếp thêm nhiệt huyết bắt đầu đổ ra đường ngay trong đêm.
Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ cũng lập tức loan tải hàng loạt hình ảnh có sức khích lệ lớn lao và rộng rãi đối với những người đang lo lắng, do dự, để họ tin rằng phe đảo chính khó mà thắng được.
Nhiều tướng lĩnh quân đội vốn không ưa ông Erdogan hoặc có thể sắp gia nhập đoàn quân đảo chính cũng nhụt ý chí. Bởi họ rất hiểu rằng nếu không loại bỏ được Erdogan ngay từ đầu, thì khó lòng đánh bại được tổng thống.
Thế là FaceTime và Internet đã trở thành chiếc phao cứu sinh tuyệt vời trong khi Erdogan lâm vào tình thế ngàn cân treo sợi tóc!
Hàng chục nghìn người Thổ Nhĩ Kỳ đổ ra đường theo lời kêu gọi của ông Erdogan qua FaceTime Ảnh: AFP/Getty Images
|
Với bản chất “độc đáo” của tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ hiện nay, khó tránh khỏi một cuộc trừng phạt không thương tiếc đối với những người đã tham gia đảo chính hoặc ủng hộ âm mưu thất bại này.
Tổng thống Mỹ và nhiều vị nguyên thủ quốc gia phương Tây đã nhanh chóng lên tiếng hối thúc chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ thực thi pháp luật văn minh khi xử lý phe đảo chính. Nhưng Erdogan đã lập tức chứng tỏ sự cứng rắn của ông đối với những người đã mưu đồ lật đổ.
Ông khẳng định rằng: “Chúng tôi sẽ không bao giờ cần phải xin phép ai khi xét xử những kẻ đảo chính”. Trước đó, Erdogan cam kết rằng “sẽ thanh trừng quân đội” để “chấm dứt hoàn toàn nguy cơ đảo chính quân sự” khỏi đời sống chính trị Thổ Nhĩ Kỳ.
Các địa điểm chính trong cuộc đảo chính ở Thổ Nhĩ Kỳ. Đồ họa: CNN |
Cuộc đảo chính quân sự ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra đêm 15/7 nhằm chiếm quyền của Tổng thống Tayyip Erdogan. Hơn 260 người thiệt mạng trong những vụ đụng độ và hàng nghìn người bị bắt.
Sáng 16/7, chính phủ tuyên bố đã tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát. Thổ Nhĩ Kỳ chưa trải qua cuộc đảo chính nào kể từ thập niên 1980 đến nay. Nhiều người nói họ không muốn đất nước lại rơi vào tình trạng hỗn loạn như vậy.