Khi thức dậy sáng 16/7 (giờ địa phương), người dân Thổ Nhĩ Kỳ được thấy hàng loạt hình ảnh binh sĩ của phe đảo chính buộc phải đầu hàng, chắp 2 tay sau đầu hoặc nằm xuống mặt đường.
"Tình hình đã hoàn toàn được kiểm soát", Thủ tướng Binali Yildirim tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng ở thủ đô Ankara. Ông Yildirim gọi vụ đảo chính là một "vết nhơ đen tối" đối với nền dân chủ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thủ tướng Yildirim cho biết khoảng 161 người đã thiệt mạng trong đêm vụ việc xảy ra và hơn 1.440 người bị thương.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố giành lại quyền kiểm soát sau đảo chính vào sáng 16/7 (giờ địa phương). Ảnh: AFP |
Trong khi đó, Tướng Umit Dundar, quyền tổng tham mưu quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cho biết 104 binh sĩ đảo chính đã bị hạ gục. Ông Dundar là người thay thế tướng Hulusi Akar bị phe nổi dậy bắt làm con tin trong đảo chính nhưng đã được giải thoát sau đó.
Trong một diễn biến khác, sau khi tuyên bố chính phủ đã nắm chắc quyền kiểm soát đất nước trở lại, Tổng thống Erdogan yêu cầu Mỹ bắt và dẫn độ giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen. Erdogan khẳng định ông Gulen đóng vai trò quan trọng trong âm mưu đảo chính.
Giáo sĩ Gulen hiện sống ở bang Pennsylvania tại Mỹ. Ông từng kêu gọi tiến hành những vụ lật đổ và ám sát trong quá khứ. Tuy nhiên, ông không chỉ trích đích danh Tổng thống Erdogan cố ý đẩy Thổ Nhĩ Kỳ vào hoàn cảnh hỗn loạn.
"Đất nước này đã trải qua biến động đáng kể vì Phong trào Gulen. Tôi kêu gọi Mỹ và Tổng thống Barack Obama hãy bắt hoặc dẫn độ Gulen, đưa ông trở về Thổ Nhĩ Kỳ. Nếu chúng ta là đối tác chiến lược, hãy làm những điều cần thiết", ông Erdogan phát biểu trước người ủng hộ từ nhà riêng ở Istanbul.
Người dân Thổ Nhĩ Kỳ giương cao ảnh Tổng thống Erdogan sau khi phe chính phủ dẹp yên cuộc đảo chính. Ảnh: Getty |
Sau khi tình hình trở nên yên ả, AFP cho biết hàng nghìn người dân ở các thành phố lớn tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 16/7 đã xuống đường cũng quốc kỳ, biểu ngữ để ủng hộ Tổng thống Tayyip Erdogan. Họ tuần hành ở quảng trường gần Taksin tại thành phố Istanbul, thành phố Kisikli, quảng trường Kizilay ở thủ đô Ankara, và thành phố biển Izmir.
Thổ Nhĩ Kỳ chưa trải qua cuộc đảo chính nào kể từ năm 1980 đến nay, sau vụ tướng Kenan Evren lật đổ chính phủ. Phần lớn người dân nói họ không muốn đất nước lại rơi vào tình trạng hỗn loạn như vậy.