Theo chính quyền dân sự Ankara, cuộc đảo chính đã bị đẩy lùi. Thủ tướng Binali Yildirim cho biết đến nay, hơn 120 người liên quan đến âm mưu đảo chính đã bị bắt giữ.
Dưới đây là danh sách các bên tham gia và có liên quan đến sự kiện đẫm máu trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ đêm 15/7 vừa qua.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ có nhiệm vụ bảo vệ nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Lực lượng này đã nhiều lần can thiệp vào các sự kiện chính trị quốc gia, trong đó có 3 lần đảo chính kể từ năm 1960. Gần đây nhất là năm 1997, quân đội lật đổ một thủ tướng người Hồi giáo.
Trong quá khứ, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ từng nhiều lần phản đối các chiến dịch quân sự ở nước ngoài của chính quyền Ankara. Tuy nhiên, không rõ các quan chức quân sự cấp cao (phần đông được chính Tổng thống Erdogan bổ nhiệm) có quan điểm như thế nào về chiến dịch quân sự tại Syria.
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bảo vệ Quảng trường Taksim ở Istanbul sáng ngày 16/7. Ảnh: AP |
Tổng thống Erdogan
Tổng thống Recep Tayyip Erdogan là một người Hồi giáo, đóng vai trò trụ cột trên chính trường Thổ Nhĩ Kỳ trong hơn một thập kỷ qua. Ông lên nắm quyền với cam kết sẽ cải tổ kinh tế và nâng cao vai trò của cộng đồng dân cư nông thôn.
Thời gian qua, ông Erdogan bị phương Tây đánh giá là ngày càng độc đoán, áp dụng nhiều chính sách Hồi giáo có phần cực đoan, khiến đất nước bị chia rẽ, dẫn tới nhiều cuộc biểu tình chống chính phủ.
Ông bị cáo buộc đã đàn áp dã man nhiều cuộc chống đối, kiểm soát giới truyền thông và quá mạnh tay khi phát động cuộc chiến đẫm máu chống lực lượng người Kurd ở khu vực đông nam đất nước.
Fethullah Gulen
Giáo sĩ Hồi giáo Fethullah Gulen từng là đồng minh của ông Erdogan, hiện đang sống lưu vong trên đất Mỹ. Ông có ảnh hưởng lớn tới chính trị Thổ Nhĩ Kỳ và ủng hộ một nhánh Hồi giáo được đánh giá là ôn hòa và tự do.
Tư tưởng của ông được lực lượng cảnh sát và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ đánh giá cao. Tuy nhiên ảnh hưởng của ông với quân đội không lớn.
Ông Erdogan từng cáo buộc giáo sĩ Gulen và những người ủng hộ là "khủng bố". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cũng tố cáo ông Gulen đứng sau cuộc đảo chính. Trong quá khứ, ông Erdogan cũng từng nhiều lần chỉ trích ông Gulen gây rối.
Tuy vậy, lực lượng của giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc này.
Quân đội phong toả cầu Bosporus ở Istanbul. Ảnh: AP |
Đảng Cộng hoà Nhân dân
Đảng đối lập cánh tả được đánh giá là ít ủng hộ Mỹ hơn Đảng Công bằng và Phát triển cầm quyền. Đảng này bị cho là từng tìm cách lật đổ thế lực của ông Erdogan, nhưng có thể không hưởng lợi gì từ cuộc đảo chính. Các lãnh đạo Đảng Cộng hòa Nhân dân cũng đã lên án cuộc đảo chính.
NATO và Mỹ
Thổ Nhĩ Kỳ trở thành đồng minh của Mỹ và là thành viên NATO từ năm 1952. Mặc dù chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama từng chỉ trích ông Erdogan đàn áp người dân Thổ Nhĩ Kỳ, Washington vẫn coi ông là vị lãnh đạo thân phương Tây ổn định và chắc chắn nhất trong thế hỗn loạn ở Trung Đông.
Liên minh do Mỹ lãnh đạo để chống tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria và Iraq hoạt động nhờ vào căn cứ không quân Incirlik ở Thổ Nhĩ Kỳ.