Hàng loạt công ty công nghệ đã công bố kết quả kinh doanh kém khả quan trong bối cảnh kinh tế Mỹ giảm tốc, xung đột ở Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, lạm phát và lãi suất tăng cao.
Theo Bloomberg, triển vọng kinh tế u ám đã tác động lớn tới ngành công nghệ và năng lực đổi mới của Mỹ. Các tập đoàn công nghệ lớn đang đối mặt với giai đoạn cắt giảm việc làm, đóng băng tuyển dụng, tăng trưởng chậm lại và trì hoãn mở rộng hoạt động kinh doanh.
Trụ sở Apple tại Cupertino, bang California. Ảnh: Bloomberg. |
Giảm tuyển dụng
Apple là công ty công nghệ lớn mới nhất thông báo hạn chế tuyển dụng cũng như cắt giảm chi tiêu do lo lắng về suy thoái trong những tháng tới.
Tuy nhiên, công ty cũng đang cố gắng để tìm ra hướng giải quyết tốt hơn để không ảnh hưởng đến người lao động. Cụ thể, nhà sản xuất iPhone đang tìm cách hạn chế chi tiêu và tuyển dụng việc làm tại một số bộ phận nhất định chứ không áp dụng cho toàn bộ công ty. Ở thời điểm hiện tại, Apple đang có 154.000 nhân viên.
Động thái của nhà sản xuất iPhone được đưa ra sau khi các hãng công nghệ lớn như Amazon, Google và Microsoft đều đã thực hiện kế hoạch giảm chi tiêu.
Giám đốc điều hành Sundar Pichai của Google đã thông báo sẽ hạn chế tuyển dụng trong hai quý còn lại của năm nay, chỉ dành ưu tiên cho bộ phận kỹ thuật. Sau khi tuyển dụng gần 10.000 người trong quý II, gã khổng lồ tìm kiếm hiện có 164.000 nhân viên.
Nhân viên xếp dỡ hàng tại kho của Amazon. Ảnh: Bloomberg. |
Về phía Amazon, Giám đốc tài chính Brian Olsavky cho biết sau khi tăng tốc mở rộng kho bãi và tuyển thêm nhân sự vào năm ngoái, nửa cuối năm nay, Amazon đã gặp phải tình trạng thừa nhân sự khi dịch bệnh giảm dần và các nhân viên nghỉ việc quay trở lại.
Tuy nhiên, hãng này lựa chọn giải quyết vấn đề bằng cách cho thuê lại không gian nhà kho và tạm dừng phát triển các cơ sở dành cho nhân viên văn phòng thay vì sa thải nhân sự.
Trong nhiều tuần qua, ngành công nghệ liên tục đón nhận những thông tin tương tự. Meta, công ty mẹ của Facebook, cũng ngừng tuyển thêm nhân viên và cắt giảm chi phí.
Trong khi đó, Twitter tuyên bố đóng băng tuyển dụng mới, thậm chí rút lại các thông báo tuyển dụng trước đó.
Cắt giảm việc làm
Trong trường hợp xấu hơn, một số hãng công nghệ phải lựa chọn cắt giảm việc làm.
Nổi bật trong số đó là Microsoft với thông báo đã loại bỏ một số vị trí để tái tổ chức công ty. Dù vậy, việc cắt giảm này ảnh hưởng chưa đến 1% lực lượng lao động của Microsoft.
Tháng trước, Tesla đã sa thải hàng trăm công nhân và đóng cửa một trụ sở ở bang California (Mỹ) chuyên về hệ thống tự lái (autopilot). Trước đó, Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho rằng việc sa thải là cần thiết giữa lúc môi trường kinh doanh ngày càng u ám.
Các nhà cung cấp dịch vụ trực tuyến lớn như Netflix và Peloton Interactive cũng phải sa thải nhân viên trong những tháng gần đây. Netflix đã cắt giảm gần 500 trăm công việc vào tháng 5 và tháng 6 vừa qua.
Còn Peloton vừa cắt giảm gần 2.800 vị trí trên toàn cầu và công bố kế hoạch dừng hoạt động tự sản xuất.
Giám đốc điều hành Tesla Elon Musk cho rằng sa thải nhân sự là điều cần thiết. Ảnh: Reuters. |
Suy thoái kinh tế còn ảnh hưởng đến cả những công ty cho vay hay các sàn giao dịch tiền mã hóa khác. Đầu tháng 6 vừa qua, sàn giao dịch tiền mã hóa lâu năm Coinbase đã thông báo sẽ cắt giảm tới gần 20% nhân viên của mình.
Các nền tảng môi giới bất động sản như Compass và Redfin cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng và phải ra thông báo cắt giảm 10% nhân sự. Điều tương tự cũng diễn ra với những công ty công nghệ nhỏ hơn như GoPuff (ứng dụng giao hàng) hay Niantic (nhà sản xuất Pokemon Go).
Dù vậy, tình hình hiện nay được đánh giá là không tồi tệ như giai đoạn bong bóng dot-com vỡ hồi đầu thập niên 2000. Sự khác biệt là đại dịch đã cho thấy tầm quan trọng và sự cần thiết của nhiều sản phẩm công nghệ trong đời sống, giúp các công ty xây dựng khả năng chống chịu với các cú sốc kinh tế tốt hơn.