Theo New York Times, Facebook đã dành mấy năm qua để phòng chống việc nền tảng này bị sử dụng để thao túng cử tri trong bầu cử tổng thống vào tháng 11 tới. Giờ đây thì họ đang lên kế hoạch sẽ làm gì trong trường hợp ông Trump can thiệp hậu bỏ phiếu.
Các kỹ sư tại Thung lũng Silicon đang đưa ra các phương án dự phòng và xem xét các tình huống hậu bầu cử, bao gồm nỗ lực của ông Trump hoặc đội ngũ quản lý chiến dịch trong sử dụng nền tảng Facebook để phủ nhận kết quả bầu cử.
Các lãnh đạo Facebook đang chuẩn bị cho trường hợp Tổng thống Trump sử dụng nền tảng mạng xã hội này để phủ nhận kết quả bầu cử. Ảnh: Getty. |
Trong số này có cả kế hoạch trong trường hợp ông Trump tuyên bố sai rằng mình vừa thắng cử và có thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.
Facebook cũng đang nghiên cứu xem sẽ làm gì nếu ông Trump cáo buộc kết quả bỏ phiếu không chính xác vì bưu điện làm mất các phiếu bầu qua thư hoặc có ai đó can thiệp vào kết quả bỏ phiếu.
CEO Mark Zuckerberg và một số lãnh đạo cao cấp của Facebook bàn cách giảm thiểu tối đa việc Facebook được sử dụng như nền tảng để phủ nhận kết quả bỏ phiếu. Họ xem xét việc cấm tất cả các quảng cáo chính trị sau ngày bầu cử vì chúng có thể lan truyền thông tin sai lệch.
Các công tác chuẩn bị thể hiện sự lo ngại ngày càng tăng của các công ty mạng xã hội về tính toàn vẹn của cuộc bầu cử tháng 11. Nền tảng của họ có thể được sử dụng để khuếch đại thông tin sai lệch, lời nói dối và các thuyết âm mưu hay thông điệp phản cảm.
YouTube và Twitter cũng đang thảo luận về kế hoạch hành động nếu giai đoạn hậu bầu cử có thể trở nên phức tạp.
Trong những tuần gần đây, ông Trump, người sử dụng mạng xã hội như chiếc loa phóng thanh, đã đưa ra những bình luận gây tranh cãi về cuộc bầu cử sắp tới.
Ông đặt câu hỏi về tính hợp pháp của việc bỏ phiếu qua thư, cho rằng các lá phiếu qua đường bưu điện sẽ không được tính, và tránh trả lời câu hỏi về việc ông có chịu rời Nhà Trắng nếu thua trong cuộc bầu cử hay không.
Alex Stamos, Giám đốc tổ chức Internet Observatory của Đại học Stanford, cựu lãnh đạo của Facebook, cho rằng cả mạng xã hội này cũng như Twitter và YouTube đang đối mặt với tình huống khó xử chưa từng có tiền lệ, khi họ "có khả năng đối xử với tổng thống như một nhân tố xấu xa", người có thể phá hoại quá trình thực thi dân chủ.
"Chúng ta không có kinh nghiệm đó ở Mỹ", ông Stamos nhận định.
Facebook có thể rơi vào tình thế đặc biệt khó xử, vì CEO Zuckerberg đã tuyên bố mạng xã hội này muốn "đảm bảo tự do ngôn luận". Không giống như Twitter - công ty đã gắn mác cho các bài đăng của ông Trump rằng chúng không chính xác hay ca ngợi bạo lực, Facebook coi bài đăng của các chính trị gia là thông tin đáng biết, và công chúng có quyền được xem.