Ngày 5/11, Cục Báo chí, Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp cùng các đơn vị liên quan tổ chức diễn đàn "Bảo vệ bản quyền các tác phẩm báo chí".
Tại diễn đàn, các đại biểu tham dự đều cùng chung ý kiến những nền tảng quảng cáo xuyên biên giới như Facebook, Google... khiến vấn đề vi phạm bản quyền tác giả ngày càng trầm trọng, cản trở sự phát triển của báo chí chính thống.
Cần có liên minh trong vấn đề bản quyền tác giả
Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Hoàng Vĩnh Bảo đánh giá những sai phạm trong bản quyền tác giả hiện nay có phần liên quan tới quá trình phát triển của báo chí trong nước.
Cụ thể, trước đây, báo chí trong nước số lượng ít và gần như toàn bộ mang tính bao cấp, cơ quan Nhà nước quản lý. Do đó, quan niệm thông tin trên báo chí là thông tin chung, được quyền chia sẻ lẫn nhau đã hình thành.
Ông Hoàng Vĩnh Bảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông. Ảnh: Q.H. |
Lý do tiếp theo là xu hướng phát triển của công nghệ như loại hình báo điện tử, trang tin điện tử khiến việc sao chép, vi phạm bản quyền gia tăng.
"Trong thời gian đầu hoạt động, báo chính thống vẫn có tư tưởng để trang thông tin điện tử dẫn lại nội dung nhằm tăng tương tác. Thời điểm hiện tại, chúng ta mới nhận thức được rõ vấn đề bản quyền nhưng đã có nhiều tờ báo ký hợp đồng với các trang tin đến 20 năm", Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông thừa nhận những vấn đề liên quan đến bản quyền tác giả có nguyên nhân văn bản quy phạm pháp luật còn chậm sửa đổi, bổ sung để phù hợp tình hình thực tế.
"Có một thực trạng khác cần nhắc tới là các cơ quan báo chí nắm rất chặt lĩnh vực khác, tuy nhiên chưa biết rõ quy định của nội bộ ngành báo chí. Nhiều đơn vị báo chí khi bị xử lý mới biết là mình sai", ông Hoàng Vĩnh Bảo thông tin.
Ngoài những vi phạm về bản quyền tác giả đến từ đơn vị trong nước, Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông cho hay các mạng xã hội quốc tế như Facebook hay công cụ quảng cáo của Google cũng là trở ngại, thách thức lớn trong lĩnh vực bảo vệ bản quyền.
"Nhiều nước trên thế giới đã có giải pháp siết lại hoạt động của Facebook và Google, chúng ta cũng cần những giải pháp, phương án cụ thể hơn. Đây là vấn đề của ngành truyền thông toàn thế giới, không riêng của Việt Nam", ông Hoàng Vĩnh Bảo nhấn mạnh.
Góp ý về giải pháp cho vấn đề vi phạm tác quyền, ông Bảo cho rằng trước tiên, các cơ quan báo chí cần tự mình cam kết thực hiện nghiêm. Mỗi cơ quan báo chí cần hình thành bộ phận phát hiện, lưu vết và đối chiếu để gửi lên cơ quan có thẩm quyền khi bị xâm phạm bản quyền tác giả.
"Một giải pháp lâu dài nữa là chúng ta cần thành lập liên minh đóng vai trò thanh tra, kiểm tra vấn đề bản quyền tác giả. Liên minh này ngoài cơ quan báo chí cần có thêm các doanh nghiệp mạng xã hội, công nghệ, quảng cáo, đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước", ông Hoàng Vĩnh Bảo định hướng.
Trong đó, cơ quan quản lý Nhà nước có nhiệm vụ hướng dẫn cơ quan báo chí các bước lưu vết, chứng minh các vi phạm bản quyền. Các doanh nghiệp mạng xã hội, công nghệ có thể xem xét cách thức các nước ứng phó với vi phạm bản quyền trên trang mạng xã hội, trang quảng cáo.
"Các cơ quan báo chí cần coi đây là việc quan trọng, có tầm ảnh hưởng đến đất nước không chỉ về kinh tế mà còn về mặt chính trị và an ninh. Chúng ta cần bàn cụ thể việc hình thành liên minh và cơ chế hoạt động ra sao", Thứ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông kết luận.
900 triệu USD từ Việt Nam về tay Facebook, Google trong 1 năm
Tại diễn đàn, ông Nguyễn Thanh Lâm, Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), nhận định nền tảng quảng cáo của Facebook, Google đã nâng quy mô vi phạm bản quyền tác giả tại Việt Nam lên mức báo động. Những vi phạm này đang từng ngày kéo giảm, bào mòn doanh thu, nguồn lực, tài sản trí tuệ của báo chí chính thống và dẫn đến những hệ lụy khác về an ninh - chính trị - xã hội.
"Khi chúng ta tìm kiếm một nội dung trên Google, những kết quả đầu tiên không chỉ có báo chính thống mà còn nhiều trang tin không giấy phép khác. Google cho phép gợi ý tìm kiếm những trang vi phạm bản quyền", ông Nguyễn Thanh Lâm nêu ví dụ.
Cục trưởng Cục Báo Chí Nguyễn Thanh Lâm phân tích những vi phạm bản quyền trong hoạt động trên Facebook và Google. Ảnh: Q.H. |
Ông Nguyễn Thanh Lâm đánh giá những kết quả tìm kiếm của Google không ngẫu nhiên hiện lên. Mô hình kinh doanh của Google cho phép những đơn vị trả tiền quảng cáo để có vị trí cao hơn trên công cụ tìm kiếm.
"Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, riêng năm 2018, các cá nhân, tổ chức ở Việt Nam đã trả cho Google và Facebook 900 triệu USD phục vụ mục đích quảng cáo. Họ quảng cáo không cần phân biệt trang thông tin, trang báo có chính thống hay không và thu về nguồn thu lớn", Cục trưởng Cục Báo chí nhận định.
Lãnh đạo Cục Báo chí cũng nêu thực trạng vấn đề vi phạm bản quyền, độc quyền trong truyền thông của Facebook, Google khiến nhiều nước trên thế giới đau đầu. Để có lối ra, ngành báo chí - truyền thông Việt Nam cần lên tiếng công khai các biểu hiện vi phạm pháp luật của những nền tảng quảng cáo xuyên biên giới.
Liên minh này có thể gồm công ty công nghệ, báo chí chính thống, trang tin điện tử tổng hợp uy tín. Liên minh này có thể hỗ trợ lẫn nhau và thúc đẩy doanh thu cho các cơ quan báo chí chính thống.
"Khi số lượng trang web không chính thống đua nhau trong việc giành view, giành quảng cáo, cơ hội nào cho những tờ báo chính thống? Trong khi đó, những tờ báo chính thống đang ngày ngày làm việc, chi trả bảo hiểm, tuân thủ pháp luật", ông Lâm đặt vấn đề.