Thời gian qua, Facebook trở thành chợ buôn vũ khí nhộn nhịp của những kẻ khủng bố. Thậm chí, mạng xã hội này còn là lựa chọn tốt nhất để tạo thành những chợ buôn vũ khí trực tuyến đa dạng. Những kẻ khủng bố buôn đủ loại mặt hàng, từ súng ngắn, lựu đạn tới súng máy hạng nặng hay thậm chí là tên lửa dẫn đường.
Thống kê trên Facebook cho thấy những kẻ buôn bán vũ khí và khủng bố dễ dàng tìm thấy nhau. Các mặt hàng được bán bao gồm nhiều vũ khí mà Mỹ viện trợ cho lực lượng an ninh của các nước đồng minh Trung Đông.
Những chợ vũ khí này xuất hiện ở nơi lực lượng tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) hiện diện nhiều. New York Times đã tập hợp nhiều nguồn tin có giá trị trước khi thông báo cho Facebook, dẫn tới việc đóng cửa 6 nhóm bí mật bị tình nghi kinh doanh vũ khí.
Chợ vũ khí đa dạng trên Facebook
Những nhóm bí mật được thành lập trên Facebook là nơi lý tưởng để những kẻ buôn bán vũ khí đăng ảnh chào hàng. Thông tin về vũ khí được thể hiện như việc chào bán những thiết bị công nghệ, với thông số kỹ thuật rõ ràng cụ thể. Trong các loại vũ khí được bán có cả súng máy hạng nặng phòng không gắn trên xe bán tải hay phức tạp hơn là tên lửa chống tăng dẫn đường hay tên lửa phòng không vác vai tầm nhiệt.
Theo New York Times, ít nhất 97 giao dịch vũ khí bao gồm tên lửa, súng máy hạng nặng, súng phóng lựu... đã được thực hiện thông qua Facebook mà không được kiểm soát kể từ tháng 9/2014. Thậm chí, các loại tên lửa được giao dịch có thể bắn hạ trực thăng và máy bay thương mại một cách dễ dàng.
Ngoài những loại vũ khí hạng nặng, những kẻ khủng bố cũng buôn bán rất nhiều loại vũ khí cá nhân, súng bộ binh, trong đó phổ dụng nhất là súng trường tấn công Kalashnikov do Nga sản xuất. Những nhóm bí mật chuyên buôn bán vũ khí cũng giúp người bán, kẻ mua dễ tìm được nhau.
Đa dạng vũ khí được rao bán trên Facebook. Ảnh: New York Times |
Các chuyên gia phân tích cho biết, vũ khí được mua bán dễ dàng qua mạng xã hội làm tăng mức độ nguy hiểm và phức tạp trong các cuộc xung đột. Việc sử dụng mạng xã hội để buôn vũ khí tương đối mới ở thời điểm cuộc xung đột Libya nổ ra. Cuộc nội chiến kết thúc với cái chết của nhà lãnh đạo Muammar Gadhafi trong khi thị trường buôn bán vũ khí qua mạng bắt đầu lớn mạnh.
Trong thời gian gần đây, việc buôn bán vũ khí tồn tại ở mọi quốc gia mà xung đột nổ ra. Các nhóm chiến binh hay những kẻ khủng bố đều có thể bán và mua vũ khí thông qua mạng xã hội, trong đó chủ yếu là Facebook. Iraq, Syria và Yemen là những mảnh đất màu mỡ cho các hoạt động buôn bán vũ khí qua mang Internet.
Các biện pháp dẹp chợ vũ khí
Ngay khi nhận thông tin từ New York Times về 7 nhóm buôn bán vũ khí, Facebook đã rà soát và chặn 6 nhóm trong số đó. Một nhóm còn lại chưa bị chặn vì chỉ đăng hình ảnh các loại vũ khí và chỉ thảo luận về tính năng, hiệu quả của chúng thay vì chấp thuận cho các hoạt động buôn bán bất hợp pháp.
Những nhóm bí mật được thành lập nhằm quảng bá việc buôn bán vũ khí. Ảnh: NY Times |
Các thống kê không cho thấy quy mô của các hoạt động buôn bán vũ khí trên mạng xã hội. Tuy nhiên, một thành viên trực tiếp tham gia quá trình đánh giá thực trạng của vấn nạn này cho thấy, mỗi tháng, khoảng 250 tới 300 bài viết có liên quan tới buôn bán vũ khí thông qua mạng xã hội ở Libya. Khu vực Trung Đông là điểm nóng nhất. Hiện tại, khoảng 6.000 tài liệu xác thực về các hoạt động giao dịch vũ khí nhưng số vụ không được thống kê có thể lớn hơn rất nhiều lần.
Trong năm 2016, Facebook đã đưa ra những chính sách mới nhằm ngăn chặn các hoạt động buôn bán vũ khí thông qua mạng xã hội này. Nó diễn ra trong bối cảnh thương mại điện tử thông qua Facebook đang dần trở thành xu thế toàn cầu. Tuy nhiên, đại diện của mạng xã hội khẳng định những chính sách mới là cam kết mạnh mẽ của Facebook với việc buôn bán vũ khí.
Một trong những cách thức ngăn chặn chợ vũ khí là báo cáo từ người dùng. Facebook đã tạo cơ chế mới để người sử dụng có thể dễ dàng báo cáo về các hoạt động buôn bán vũ khí trên mạng xã hội. Chỉ với một cú nhấp chuột, người dùng có thể thông báo về nhóm tình nghi tới Facebook. Bằng cách kêu gọi sự chung tay từ cộng đồng, các chuyên gia của Facebook có thể khoanh vùng rà soát đối tượng dễ dàng hơn trong biển thông tin khổng lồ.
Facebook cho biết, các mặt hàng phụ trợ như radio, kính chống đạn, máy ảnh hồng ngoại… không nằm trong diện bị coi là vũ khí. Tuy nhiên, mạng xã hội này vẫn sẽ gỡ bỏ chúng trong thời gian tới nhằm hạn chế khả năng của các lực lượng khủng bố. Ngoài ra, việc quảng bá đưa người tị nạn sang châu Âu cũng đang bị Facebook đưa vào diện xem xét xóa bỏ.
Facebook cũng đang yêu cầu người dùng sử dụng tên thật đối với tài khoản. Những trường hợp không sử dụng tên thật có thể bị xóa bỏ. Tránh trường hợp nhầm lẫn, Facebook yêu cầu các tài khoản bị xóa bỏ trình ảnh chụp giấy tờ tùy thân để được xem xét. Biện pháp này khiến những kẻ khủng bố không thể lạm dụng mạng xã hội này để thực hiện các việc làm phi pháp.