Sáng nay, ngân hàng Eximbank (EIB) tổ chức phiên họp đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai do phiên họp lần đầu tháng 4/2021 không thể diễn ra vì không đủ số lượng cổ phần tham dự cần thiết.
Cuộc họp lần thứ 2 ghi nhận sự tham gia của đông đảo cổ đông lớn của nhà băng với 126 đại diện, tương đương hơn 1,05 tỷ cổ phiếu. Với tỷ lệ tham dự đến 85,5% tại lúc 9h13, cuộc họp này đã đủ điều kiện tiến hành (điều kiện tỷ lệ trên 51%).
Theo cập nhật của ban tổ chức đến lúc 10h, cuộc họp có sự tham dự của 146 cổ đông, chiếm tỷ lệ đến 94,6% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.
Ông Yasuhiro Saitoh - Chủ tịch HĐQT Eximbank - phát biểu ngân hàng trong 3 năm qua không tổ chức được đại hội cổ đông, chủ yếu do thiếu giao tiếp, thấu hiểu nhau giữa các nhóm cổ đông lớn.
Do đó, ông đề nghị các nhóm cổ đông hợp tác, thấu hiểu lẫn nhau và vui mừng vì cuối cùng đã tổ chức được ĐHĐCĐ như mong đợi.
Xuất hiện nhóm cổ đông mới
Nhân sự vẫn luôn là chủ đề nóng tại Eximbank khi các nhóm cổ đông vẫn rất bất đồng quan điểm cho các vị trí cấp cao, nhà băng này vẫn chưa thể tổ chức họp cổ đông thành công kể từ năm 2019 đến nay.
Do nhiệm kỳ cũ 2015-2020 đã kết thúc nên Eximbank sẽ phải tiến hành các thủ tục để bầu thành viên HĐQT và thành viên ban kiểm soát cho nhiệm kỳ mới VII (2020-2025).
Số lượng nhân sự HĐQT dự kiến trình cổ đông thông qua là 7 thành viên, trong đó có ít nhất 1 thành viên độc lập. Ngân hàng cũng dự kiến bầu 3 thành viên BKS nhiệm kỳ tương tự.
Đáng chú ý nhất là sự xuất hiện của một nhóm cổ đông mới khi ông Nguyễn Thanh Hùng (sinh năm 1978) được đề cử vào HĐQT Eximbank kỳ này.
Ông Hùng hiện là phó chủ tịch kiêm phó tổng giám đốc HĐQT Bamboo Capital. Ông được đề cử bởi nhóm công ty Helios, Thắng Phương và cả cá nhân chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Hồ Nam. Bamboo Capital là một tập đoàn đa ngành đang lớn mạnh và có mối quan hệ kinh tế khá khăng khít với ngân hàng TPBank của ông Đỗ Minh Phú.
Phó chủ tịch Bamboo Capital Nguyễn Thanh Hùng. Ảnh: Bamboo Capital. |
Nhân vật duy nhất trong HĐQT cũ được đề cử lại là bà Lương Thị Cẩm Tú. Cá nhân này từng được bầu làm chủ tịch Eximbank vào đầu năm 2019 nhưng sau đó bị miễn nhiệm, bắt đầu cho loạt biến động tại thượng tầng nhà băng này.
Bà Tú sinh năm 1980 và từng làm CEO NamABank giai đoạn 2015-2018 trước khi làm thành viên HĐQT Eximbank từ tháng 4/2018 đến nay. Bà Tú được đề cử bởi một nhóm cổ đông cá nhân và Công ty Chứng khoán Bảo Minh.
Một nhân sự khác là bà Đỗ Hà Phương (sinh năm 1984) cũng có liên quan đến NamABank. Bà được nhóm cổ đông như Hoàn Vũ Sài Gòn, Hoàng Gia ĐL, Rồng Ngọc... giới thiệu. Đây là nhóm có liên quan đến gia đình Chủ tịch NamABank Nguyễn Quốc Toàn.
Nhóm cổ đông liên quan đến Thành Công Group bao gồm ông Đào Phong Trúc Đại và bà Lê Hồng Anh. Đây là doanh nghiệp đa ngành được biết nhiều với vai trò đối tác liên doanh với hãng ôtô Hyundai và đã hiện diện từ lâu tại Eximbank.
Nhóm cổ đông đến từ SMBC dù đã có tuyên bố rút lui vai trò chiến lược tại Eximbank, vẫn đề cử ứng viên HĐQT trong kỳ họp này, đó là ông Võ Quang Hiển (sinh năm 1969).
Nhân vật cuối cùng là ông Nguyễn Hiếu (sinh năm 1973), hiện là lãnh đạo tại Chứng khoán Rồng Việt. Ông được đề cử bởi nhóm Lafelle Limited, bà Ngô Thu Thúy... vốn có liên quan đến nhóm công ty Âu Lạc.
Chia cổ tức trở lại sau 9 năm
Chủ tịch HĐQT Yasuhiro Saitoh cho biết ngân hàng có thể trả cổ tức trong năm nay nhờ nhân sự ổn định, xử lý các khoản nợ xấu và cổ tức có thể lên đến 2 con số.
Việc chia cổ tức có thể bằng tiền mặt hoặc cổ phiếu tùy thuộc quyết định của NHNN. Lần gần nhất ngân hàng trả cổ tức 4% cho năm 2013.
Sau khi được NHNN chấp thuận, Eximbank sẽ trình cổ đông phương án phân phối cụ thể, dự kiến với số lợi nhuận được chia sau khi trừ các quỹ năm 2018, 2019, 2020 là gần 2.214 tỷ đồng.
Với kỳ vọng về sự ổn định của bộ máy lãnh đạo, Chủ tịch HĐQT Yasuhiro Saitoh cho biết Eximbank có thể trở lại hoạt động bình thường và tăng tốc trong năm con hổ.
Báo cáo của ban điều hành Eximbank cho thấy tổng tài sản đến cuối năm 2021 của nhà băng này ước tính vào khoảng 166.000 tỷ đồng, tăng 3,5% so với cuối năm 2020.
Về kết quả kinh doanh, ngân hàng chỉ thu về hơn 1.205 tỷ đồng lãi trước thuế, giảm 10% so với năm trước và đều dưới kế hoạch đề ra.
Sang năm 2022 ngân hàng đặt mục tiêu khá tham vọng khi thu về 2.500 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm nay, tăng trưởng 127%. Thay đổi này tương đương với việc Eximbank sẽ lãi nhiều hơn năm ngoái khoảng 1.400 tỷ đồng.
LỢI NHUẬN KINH DOANH CỦA EXIMBANK | |||||||||||
Nhãn | Năm 2013 | Năm 2014 | Năm 2015 | Năm 2016 | Năm 2017 | Năm 2018 | Năm 2019 | Năm 2020 | Năm 2021 | KH 2022 | |
Lãi trước thuế | Tỷ đồng | 828 | 69 | 61 | 391 | 1018 | 827 | 1095 | 1340 | 1205 | 2500 |
Ngân hàng cũng kỳ vọng tổng tài sản đạt 179.000 tỷ đồng, tăng 7,8% so với năm 2021. Trong đó, huy động vốn ngân hàng đến cuối năm đạt 147.600 tỷ đồng, tăng 6,5% và dư nợ cấp tín dụng bao gồm cả trái phiếu doanh nghiệp là 131.400 tỷ đồng, tăng 13,5%.
Eximbank cho biết tính đến ngày 30/3/2021, Eximbank đã thanh toán hết trái phiếu đặc biệt VAMC. Do đó, ngân hàng đã có văn bản trình NHNN chấp thuận cho Eximbank được chia cổ tức trong năm 2021.
Đại hội lần này cũng sẽ được trình lại nội dung chấp thuận đầu tư dự án Trụ sở Eximbank tại số 7, Lê Thị Hồng Gấm, quận 1, TP.HCM.
Diễn biến bất ngờ diễn ra vào cuối ngày khi ngân hàng kiểm lấy ý kiến về tờ trình tại đại hội. Mặc dù được các cổ đông đồng thuận về các nguyên tắc và các nội dung thực hiện trong đại hội, chỉ số ít tờ trình được thông qua và hàng loạt nội dung khác vẫn bị phủ quyết.
Kết quả cho thấy chỉ có 5 tờ trình quan trọng được thông qua bao gồm: Tờ trình ủy quyền cho HĐQT cập nhật, bổ sung quy chế tài chính củ Eximbank; Tờ trình điều chỉnh điều lệ Eximbank; Tờ trình quy chế quản trị nội bộ; Tờ trình quy chế tổ chức và hoạt động của HĐQT; Tờ trình quy chế tổ chức và hoạt động của BKS.
Phiên họp hôm nay cũng thống nhất được vấn đề nhân sự, kết quả cho thấy toàn bộ ứng viên đều trúng cử vào HĐQT và ban kiểm soát nhiệm kỳ mới. Tuy nhiên hàng loạt 26 tờ trình khác không được thông qua do tỷ lệ tán thành chỉ dưới 50%.
Một số tờ trình đáng kể có liên quan đến báo cáo hoạt động của Ban điều hành, HĐQT, Ban Kiểm soát; phương án phân phối lợi nhuận; đầu tư trụ sở chính; kinh phí hoạt động và thù lao;…