Hội đồng Quản trị Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam - Eximbank (EIB) vừa có nghị quyết về việc chấm dứt trước thời hạn đối với thỏa thuận liên minh chiến lược ký kết ngày 27/11/2007 với SMBC (Nhật Bản).
Theo lãnh đạo Eximbank, quyết định chấm dứt hợp tác chiến lược nói trên được đưa ra dựa theo đề nghị của cổ đông SMBC ngày 5/1.
HĐQT Eximbank cũng thống nhất giao chủ tịch HĐQT tổ chức thực hiện các thủ tục về việc chấm dứt thỏa thuận chiến lược giữa ngân hàng và đối tác Nhật đã ký trước đó.
Như vậy, sau hơn 14 năm hiện diện tại Eximbank với khoản đầu tư 225 triệu USD, tập đoàn tài chính đến từ Nhật Bản - SMBC - và ngân hàng thương mại này sẽ “đường ai nấy đi”.
Hiện SMBC đang là cổ đông lớn nhất nắm giữ hơn 185 triệu cổ phiếu EIB, tương đương 15% vốn ngân hàng. Với thị giá cổ phiếu EIB kết phiên 8/2 ở mức 35.700 đồng/đơn vị, lượng cổ phiếu do SMBC nắm giữ có giá trị trường khoảng 6.600 tỷ đồng, tương đương gần 290 triệu USD quy đổi theo tỷ giá hiện tại.
Nếu không tính các khoản cổ tức tiền mặt trong giai đoạn này, sau hơn 14 năm đầu tư vào Eximbank, khoản đầu tư 225 triệu USD của SMBC sau 14 năm chỉ ghi nhận mức sinh lời chưa tới 30%.
Mâu thuẫn thượng tầng của Eximbank đã khiến kết quả kinh doanh ngân hàng tụt lùi nhiều năm, các phiên họp cổ đông thường xuyên không thể diễn ra. Ảnh: V.Đ. |
Thực tế, thông tin SMBC muốn thoái vốn Eximbank đã xuất hiện từ giữa năm 2021, khi tập đoàn tài chính này chi 1,37 tỷ USD mua lại 49% vốn tại FECredit - công ty con của VPBank. Thị trường khi đó cũng xuất hiện thông tin SMBC dự kiến mua lại một phần cổ phiếu quỹ cùng cổ phiếu do VPBank phát hành mới để trở thành cổ đông chiến lược tại ngân hàng này.
Từ giữa năm 2021 đến nay, VPBank cũng đang thực hiện các thủ tục để phát hành cổ phiếu cho cổ đông chiến lược nước ngoài, bao gồm việc chốt room ngoại ở mức 17,5%.
Theo quy định, một đối tác tài chính nước ngoài không được cùng lúc là cổ đông chiến lược sở hữu 15% cổ phần tại 2 tổ chức tín dụng tại Việt Nam. Vì vậy, việc thị trường xuất hiện thông tin SMBC muốn trở thành cổ đông chiến lược tại VPBank đồng nghĩa với việc đối tác Nhật này phải thoái vốn khỏi Eximbank.
Tại Eximbank, SMBC cũng đã có động thái rút dần nhân sự khỏi ban lãnh đạo ngân hàng từ năm 2019. Tại phiên họp cổ đông bất thành năm 2021 ngày 27/4/2021, SMBC cũng không cử người đại diện tham dự.
Eximbank nhiều năm gần đây được thị trường chú ý với những tranh chấp nội bộ giữa các nhóm cổ đông lớn. Năm 2019, ngân hàng đã 2 lần tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên nhưng đều bất thành do các cổ đông không đồng thuận tham gia. Nhà băng này sau đó cũng không thể bổ nhiệm HĐQT, Ban kiểm soát nhiệm kỳ mới, không bổ nhiệm được tổng giám đốc, người đại diện theo pháp luật trong một thời gian dài, ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Hiện tại, Eximbank cũng chưa tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2020 và 2021 cũng vì các nhóm cổ đông không đồng thuận ngồi lại.
Trong lần tổ chức họp cổ đông hồi tháng 4/2021, 2 nhóm cổ đông lớn của Eximbank (nắm tổng cộng 21,5% vốn) thậm chí đã đề nghị miễn nhiệm 8/9 thành viên HĐQT ngân hàng.
Cả 2 phiên họp này sau đó cũng không thể tổ chức vì không đủ số lượng cổ đông tham gia và cổ đông tham gia không thông qua quy chế cuộc họp.
Eximbank dự kiến tổ chức họp cổ đông thường niên năm 2021 lần thứ hai vào ngày 15/2 tới để tiến hành bầu thành viên HĐQT, BKS sau khi trình hồ sơ nhân sự đã được gửi lên Ngân hàng Nhà nước.
Trong đó, ngân hàng sẽ bầu lại 7 thành viên HĐQT (bao gồm 1 thành viên độc lập) cùng 3 thành viên BKS cho nhiệm kỳ mới 2020-2025.