Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Eximbank bầu thêm 3 nhân sự HĐQT

Cổ đông ngân hàng đã miễn nhiệm 2 thành viên và bầu mới 3 thành viên HĐQT mới, đồng thời chấp thuận việc tiếp tục đầu tư trụ sở chính tại khu "đất vàng" số 7 Lê Thị Hồng Gấm.

Ngày 14/2, phiên họp cổ đông bất thường lần 2 của Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) đã đủ điều kiện tiến hành sau khi tỷ lệ cổ đông dự họp đạt trên 82% số cổ phần có quyền biểu quyết.

Câu chuyện nhân sự HĐQT từng gây nhiều tranh cãi tại ngân hàng này đã cơ bản được kiện toàn sau khi cổ đông thống nhất miễn nhiệm 2 thành viên và bầu mới 3 thành viên mới.

Các thành viên được bầu mới là bà Lê Thị Mai Loan (tỷ lệ 125,16%). Bà có bằng Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Đại học Quản trị Paris PGSM và từng có 15 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Nhân sự thứ hai được bầu vào HĐQT Eximbank nhiệm kỳ này là ông Phạm Quang Dũng (tỷ lệ 103,36%), ông có trình độ cử nhân ngân hàng, tài chính tại Đại học Kinh tế Quốc Dân. Ông cũng là người có gần 20 năm công tác trong lĩnh vực tài chính ngân hàng.

Cuối cùng là thành viên HĐQT độc lập Trần Anh Thắng (tỷ lệ 71,04%). Ông là Thạc sỹ Quản trị kinh doanh Đại học Latrobe (Australia), từng có 13 năm công tác tại các công ty chứng khoán.

Trong khi đó, bà Lê Hồng Anh và ông Đào Phong Trúc Đại đã được cổ đông Eximbank chấp thuận miễn nhiệm tư cách thành viên HĐQT theo lý do cá nhân. Hai nhân sự này từng đại diện cho nhóm cổ đông Tập đoàn Thành Công trước khi rút vốn.

Eximbank,  ngan hang,  nhan su anh 1

Các nhân sự trong HĐQT mới của Eximbank. Ảnh: H.L

Liên quan đến các vấn đề của Eximbank, cũng tại phiên họp bất thường lần này, cổ đông ngân hàng đã chấp thuận đề xuất của HĐQT về việc giữ lại tài sản là lô đất số 242 Bình Thới (quận 11, TP.HCM) để triển khai đầu tư làm trụ sở kinh doanh, địa điểm làm việc.

Chủ tịch HĐQT Lương Thị Cẩm Tú cho biết thêm lãnh đạo ngân hàng từng đưa lô đất này ra đấu giá 6 lần song không có người mua. Do vậy, ban điều hành quyết định sẽ giữ lại để làm kho bãi phục vụ cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài ra, ngân hàng còn tiến hành rà soát tất cả tài sản chưa hiệu quả để có phương án cải thiện, trong đó có việc xúc tiến xây dựng trụ sở chính tại khu "đất vàng" số 7 Lê Thị Hồng Gấm (TP.HCM). Tuy nhiên, Eximbank phải chờ xin ý kiến, trình các thủ tục pháp lý trước khi khởi công.

Đối với vấn đề chia cổ tức, bà Tú nhắc lại ngân hàng đã trình cơ quan quản lý và được chấp thuận chia cổ tức tiền mặt theo quy định với tỷ lệ 10%, ngân hàng dự kiến chốt danh sách cổ đông vào ngày 20/2..

Trước lo ngại của cổ đông về hoạt động kinh doanh, Chủ tịch Eximbank khẳng định kết quả kinh doanh của ngân hàng vẫn vượt kế hoạch, riêng chỉ tiêu lợi nhuận năm 2022 đã vượt 282% so với năm 2021. Ngân hàng sẽ chốt tỷ lệ chia cổ tức cho năm 2022 trong kỳ họp cổ đông thường niên sắp tới.

Dù vậy, đại hội bất thường lần này của Eximbank vẫn còn một tờ trình không được thông qua là đề xuất thực hiện bản án phúc thẩm tranh chấp hợp đồng thuê tài sản tại số 21 Kỳ Đồng (TP.HCM) và đưa khoản chi phí đã được hạch toán là khoản tổn thất trong hoạt động ngân hàng.

Trước đây, Eximbank có thuê địa điểm này để làm trụ sở, tổng giá trị xây đối với tòa nhà là khoảng 110 tỷ đồng, trích khấu hao 50 năm nhưng hợp đồng thuê chỉ có 10 năm. Tòa án có nêu chủ nhà hoàn trả lại giá trị mà Eximbank đã đầu tư, có phần chênh lệch 50 tỷ đồng và ngân hàng phải hạch toán chi phí này trong năm 2022.

Eximbank tăng vốn sau hơn một thập kỷ

Ngân hàng tư nhân này sẽ chia cổ tức theo tỷ lệ 20% và qua đó sẽ nâng vốn điều lệ lên mức 14.814 tỷ đồng.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm