Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

SMBC chính thức rút vốn Eximbank sau 15 năm

Đối tác chiến lược Nhật Bản chỉ còn nắm giữ 4,27% vốn Eximbank và cũng không còn thuộc diện phải công bố thông tin nếu muốn bán tiếp.

Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC - Nhật Bản) vừa thông báo đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB của Ngân hàng Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) cho nhà đầu tư trong nước vào 13/1.

Sau giao dịch, tỷ lệ sở hữu của cổ đông Nhật Bản tại Eximbank bị giảm từ 15,07% (185,3 triệu cổ phiếu) xuống còn 4,27% (52,5 triệu cổ phiếu). Điều này đồng nghĩa SMBC không còn là cổ đông lớn tại ngân hàng và cũng không thuộc diện công bố thông tin.

Thực tế trong phiên giao dịch 13/1, khối ngoại đã bán thỏa thuận hơn 132,8 triệu cổ phiếu EIB để hạ tỷ lệ sở hữu nước ngoài tại Eximbank. Giá trị của thương vụ sang tay này hơn 3.400 tỷ đồng.

SMBC trở thành cổ đông chiến lược của Eximbank từ 2007, khi chi khoảng 225 triệu USD để sở hữu 15% vốn điều lệ, đồng thời trở thành đối tác chiến lược của ngân hàng ở Việt Nam. SMBC cam kết hỗ trợ và hợp tác trong việc phát triển dịch vụ ngân hàng bán lẻ, ngân hàng đầu tư, quản lý rủi ro theo chuẩn mực quốc tế.

Tuy nhiên, sau nhiều tranh chấp chưa thể thu xếp ở dàn lãnh đạo thượng tầng, cổ đông SMBC rút đại diện khỏi nhà băng này từ cuối 2019 và chuyển hướng đầu tư vào FE Credit và VPBank.

Ngày 8/2/2022, Hội đồng quản trị Eximbank cũng công bố quyết định chấm dứt thỏa thuận liên minh với cổ đông SMBC theo yêu cầu từ phía đối tác Nhật Bản, kết thúc 15 năm hợp tác. Tương tự SMBC cũng công bố văn bản chấm dứt thỏa thuận liên minh chiến lược.

Không chỉ cổ đông ngoại mà trước đó vào cuối năm 2022, nhóm nhà đầu tư liên quan Tập đoàn Thành Công cũng đã thoái toàn bộ vốn khỏi Eximbank (giá trị ước tính 5.000 tỷ đồng) càng làm cho cơ cấu cổ đông tại ngân hàng thêm biến động.

Hôm 16/1, Eximbank đã triệu tập cuộc họp Đại hội đồng cổ đông bất thường để bầu bổ sung thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2020-2025). Tuy nhiên, phiên họp đã không thể diễn ra do số cổ đông tham dự chỉ đại diện cho 53,16% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Nhà băng này dự kiến tiếp tục mời họp cổ đông bất thường lần thứ hai dự kiến vào ngày 14/2. Đại hội lần hai theo điều lệ sẽ được tiến hành khi cổ đông đại diện ít nhất 51% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết.

Theo kế hoạch, Eximbank sẽ bầu bổ sung 3 thành viên HĐQT với các ứng viên dự kiến là bà Lê Thị Mai Loan, ông Phạm Quang Dũng và ông Trần Anh Thắng. Cả ba cá nhân này đều đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận.

Bất chấp những biến động thượng tầng, Eximbank vẫn đặt kế hoạch kinh doanh đầy tham vọng cho năm nay với mức lợi nhuận trước thuế dự kiến đạt 5.000 tỷ đồng, tăng 43% so với năm 2022 (ước đạt khoảng 3.500 tỷ đồng, tăng 290%).

Eximbank họp cổ đông bất thành

Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2023 của Eximbank tiếp tục không thể diễn ra do không đủ tỷ lệ cổ đông tham dự.

Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...

Huy Lê

Bạn có thể quan tâm